Ngày 21/10, tại Hà Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; sơ kết 2 năm thực hiện đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2020.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh đã báo cáo kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trong 10 năm qua.
Các địa phương đã thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo và thực hiện Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án và các nguồn thu, quan tâm đầu tư xây dựng mới các phòng học, tu sửa các công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn một chiều; rà soát, mua sắm, bổ sung tài liệu, trang bị thêm các bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi, phục vụ các chuyên đề phát triển vận động và xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm.
Đồng thời, các địa phương đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, từng bước đáp ứng nhu cầu và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Về phòng học, cả nước hiện có hơn 200.000 phòng, trong đó có 77,7% phòng học kiên cố. Riêng phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi đảm bảo 1 phòng/lớp.
Toàn quốc có gần 24.000 phòng chức năng; hơn 580.000 bộ thiết bị dạy học trong lớp đạt chuẩn; gần 64.000 bộ đồ chơi ngoài trời đạt chuẩn. Đến nay, cả nước có 7.593 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt 49,1%.
[75 năm giáo dục: Từ phổ cập giáo dục đến đổi mới căn bản, toàn diện]
Về đội ngũ, các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên mầm non; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng; ưu tiên phân công giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo, đạt chuẩn nghề nghiệp để chăm sóc, giáo dục trẻ mẫu giáo năm tuổi; nâng cao chất lượng tăng cường cho trẻ vào lớp một.
Toàn ngành hiện có trên 400.000 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo trở lên đạt 73,7%. Tỷ lệ giáo viên/lớp đối với lớp mầm non 5 tuổi đạt 1,81 giáo viên/lớp. Chất lượng giáo dục mầm non không ngừng được đổi mới và nâng cao.
Đến nay, 99% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đi học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi được nâng lên hằng năm, đến nay đạt 99,96%. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9%. Toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vẫn còn một số khó khăn như công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp; hướng dẫn triển khai một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển trường, lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non.
Hệ thống trường lớp mầm non đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của nhân dân cả nước; vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Mặc dù tỷ lệ huy động trẻ đến trường của cả nước có tăng theo từng năm, tỷ lệ huy động trẻ năm tuổi cao, tuy nhiên tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục, một số nơi ở các xã vùng cao do địa hình phức tạp đồi núi, độ dốc lớn nên quy hoạch trường điểm trường gặp khó khăn...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ngành Giáo dục đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm.
Ngành rà soát ban hành hệ thống văn bản theo luật giáo dục năm 2019, chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến 2045, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, phát triển trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ, ban hành cơ chế chính sách địa phương, giải pháp giải quyết trường lớp ứng nhu cầu tới trường của trẻ, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; từng bước tuyển dụng đủ số lượng giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ.
Đồng thời, ngành giáo dục chuẩn bị các điều kiện để ban hành chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020; tiếp tục hướng dẫn thực hiện Nghị định số 86 của Chính phủ về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục mầm non; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong sự phát triển nguồn nhân lực.
Dịp này, 68 tập thể và 204 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo./.