Trang mạng businessinsider.com đưa tin Đảng Brexit của ông Nigel Farage đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), với việc giành được hầu hết số ghế của Anh tại EP và có tỷ lệ ủng hộ cao nhất.
Sự ủng hộ dành cho chính đảng theo quan điểm phản đối Liên minh châu Âu (EU) này đã gia tăng, trong khi đảng Bảo thủ cầm quyền - vừa hứng chịu kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử tổng tuyển cử Anh - về đích với vị trí thứ 5.
Cùng lúc đó, những cử tri hy vọng giữ Anh ở lại EU đã dồn phiếu cho các đảng nhỏ hơn theo quan điểm ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, dẫn đến việc đảng Dân chủ Tự do vượt Công đảng để về đích thứ 2 và đảng Xanh có lượng ủng hộ gia tăng đáng kể.
[Kết quả bầu cử EP làm tăng khả năng Brexit không thỏa thuận]
Vậy kết quả này có ý nghĩa ra sao đối với tiến trình Brexit và cuộc khủng hoảng chính trị ở Anh? Trang mạngbusinessinsider.com đã tổng kết 5 điều rút ra sau cuộc bầu cử EP.
Thứ nhất, thủ tướng tiếp theo có thể là một nhân vật có quan điểm cứng rắn ủng hộ Brexit (Brexiteer).
Kết quả bầu cử cho thấy chiến thắng của đảng Brexit chủ yếu do sự tụt dốc của Công đảng.
Quyết định 2 lần trì hoãn Brexit của Thủ tướng Theresa May đã khiến tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng này tụt dốc thảm hại bởi đảng Bảo thủ chủ yếu nhận được hậu thuẫn từ các cử tri ủng hộ Brexit.
Điều này dẫn đến việc các Brexiteer trong đảng càng củng cố lập trường của mình hơn.
Hai trong số các ứng cử viên hàng đầu tranh cử vị trí thủ tướng - cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab - đều tuyên bố ủng hộ việc rời khỏi EU mà không cần thỏa thuận.
Sự gia tăng ủng hộ cho đảng Brexit càng củng cố vị thế của những ứng cử viên trong đảng muốn một Brexit “cứng.”
Sự thất bại của đảng Bảo thủ càng khiến đảng này có thể sẽ trở lại “sử dụng” nhân vật có tiếng một thời - Boris Johnson - như lựa chọn tốt nhất để khôi phục vị thế.
Thứ hai, các đảng ủng hộ “Ở lại” giành nhiều phiếu hơn các đảng ủng hộ “Ra đi.”
Ngay khi mọi việc đã rõ rằng cuộc bầu cử EP vẫn được diễn ra tại Anh, sự kiện này được coi là cuộc trưng cầu ý dân lần 2 mang tính ủy nhiệm về tư cách thành viên EU của Anh, với đảng Brexit mới thành lập và đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) đại diện cho các cử tri lựa chọn “Ra đi”; và đảng Dân chủ Tự do, đảng Xanh và đảng Thay đổi Vương quốc Anh đại diện cho các cử tri ủng hộ “Ở lại.”
Trước sự lựa chọn giữa 2 thái cực này, các cử tri đã chọn 1 trong 2 và quay lưng lại với đảng Bảo thủ (vốn ủng hộ Brexit nhưng lại trì hoãn tiến trình đó) và Công đảng (từng vận động “Ở lại” nhưng giờ đây lại ủng hộ “Ra đi”).
Trên thực tế, nếu chỉ xét tới các đảng cạnh tranh trong nước, 2 đảng ủng hộ Brexit nhận được tổng cộng 35% số phiếu, bằng với tỷ lệ 3 đảng phản đối Brexit nhận được. Nếu tính cả đảng Plaid Cymru ở Wales và đảng Dân tộc Scotland (SNP) thì cán cân nghiêng về phe “Ở lại."
Thứ ba, thế bế tắc Brexit sẽ trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại với việc mở ra một lối thoát khỏi vực thẳm mà chính trường Anh đang rơi xuống kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, kết quả bầu cử này cho thấy vực thẳm đó sâu tới mức nào.
Nếu bạn là một Brexitteer, bạn có thể viện dẫn thành công của đảng Brexit và tuyên bố rằng đó là chiến thắng cho niềm tin của bạn vào việc rời khỏi EU mà không cần một thỏa thuận.
Nhưng nếu bạn là một người ủng hộ “Ở lại,” bạn có thể viện dẫn kết quả chung mà các đảng “Ở lại” nhận được và tuyên bố rằng kết quả đó là minh chứng cho việc Anh nên rút lại Điều 50 và ở lại EU.
Tương tự, nếu bạn là một nghị sỹ Công đảng muốn nhà lãnh đạo Jeremy Corbyn chuyển sang lập trường ủng hộ “Ở lại,” bạn có thể viện dẫn thành công của đảng Dân chủ Tự do ở London - thành trì của Công đảng - để ủng hộ cho lập trường của bạn.
Nhưng nếu bạn là một nghị sỹ Công đảng như Lisa Nandy - người đại diện cho các cử tri ở miền Bắc, nơi đảng Brexit giành chiến thắng áp đảo - thì bạn có thể sẽ rút ra bài học khác từ kết quả lần này.
Vấn đề tương tự cũng đang xảy ra trong đảng Bảo thủ - vốn đang “đau đầu” lựa chọn nhà lãnh đạo mới sau khi bà May từ chức.
Trong khi các Brexiteer của đảng Bảo thủ coi kết quả này là minh chứng cho việc lựa chọn một nhà lãnh đạo ủng hộ việc rời khỏi EU mà không kèm thỏa thuận, thì những người ủng hộ “Ở lại” trong đảng sẽ viện dẫn sự trỗi dậy của đảng Dân chủ Tự do để tuyên bố đề cử một nhà lãnh đạo ôn hòa (bởi đảng Bảo thủ phải giành lấy lá phiếu của đảng Dân chủ Tự do trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới nhằm có được đa số ghế).
Tình trạng mập mờ này có nghĩa rằng sự phân cực gây ra thế bế tắc trong Quốc hội Anh chắc chắn sẽ kéo dài. Việc trì hoãn Brexit thêm lần nữa là khả năng có thể xảy ra nhất vào tháng 10 tới.
Thứ tư, cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra.
Trong bối cảnh chính trường Anh trở nên phân cực hơn sau cuộc bầu cử EP, hiện rất khó để thủ tướng tiếp theo của Anh tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng Brexit trong Quốc hội như hiện nay.
Bản chất ủng hộ Brexit của các nghị sĩ đảng Bảo thủ đồng nghĩa rằng bất kể ai trở thành Chủ tịch đảng sẽ phải cam kết tiến hành Brexit “cứng.”
Tuy nhiên, bất kể nhà lãnh đạo mới nào tìm cách tiến hành Brexit “cứng” sẽ bị Quốc hội phản đối. Như Viện nghiên cứu vì Chính phủ chỉ ra tuần trước, một thủ tướng cam kết thực hiện Brexit đến cùng có thể hành động “vượt mặt” các nghị sỹ trong Quốc hội.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond phát biểu hôm 26/5, việc cố tình làm vậy sẽ khiến thủ tướng mất đi lòng tin của các nghị sĩ, đồng nghĩa với việc Anh sẽ tiến tới một cuộc tổng tuyển cử mới.
Thứ năm, cuộc trưng cầu ý dân lần 2 có thể được tiến hành. Việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử là triển vọng “không mấy hấp dẫn” với đảng Bảo thủ, cho dù trước hay sau Brexit.
Bởi lý do này, việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 có thể sẽ được lựa chọn.
Trước việc phải lựa chọn giữa một cuộc tổng tuyển cử mà ở đó đảng Bảo thủ có khả năng thất bại hay chấp nhận một cuộc trưng cầu ý dân mới mà ít nhất có thể trì hoãn “ngày phán xét cuối cùng,” thủ tướng tiếp theo của đảng Bảo thủ không còn lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận cuộc trưng cầu ý dân lần 2 một cách tự nguyện hoặc trước sức ép của Quốc hội Anh vốn quyết tâm né tránh một Brexit không thỏa thuận./.