Tháng Chín năm 2016 đã trở thành tháng Chín có nền nhiệt cao thứ 2 trong lịch sử, kết thúc chuỗi 16 tháng nắng nóng kỷ lục liên tiếp và kéo dài nhất trong 137 năm qua.
Theo báo cáo hàng tháng về khí hậu công bố ngày 18/10 của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA), tháng Chín vừa qua là tháng nắng nóng đỉnh điểm thứ hai với mức nhiệt độ toàn cầu trên đất liền và trên bề mặt đại dương cao hơn 0,89 độ C so với mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20, song thấp hơn 0,04 độ C so với mức nhiệt kỷ lục của tháng 9/2015.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, mức nhiệt gia tăng tại hầu hết các khu vực trên thế giới, cao hơn 0,99 độ C so với mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20 là 14,1 độ C.
Đây là giai đoạn 9 tháng ghi nhận mức nhiệt cao nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu từ năm 1880, cao hơn 0,13 độ C so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù đợt nắng nóng kỷ lục đã kết thúc, các nhà khoa học cảnh báo rằng năm 2016 sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục để vượt qua năm 2015 và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính khiến nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng cao là do tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch, tác nhân làm gia tăng các lượng khí độc hại trong bầu khí quyển./.