Đảo Henderson, một hòn đảo hoang sơ thuộc Anh nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, đang ngập trong rác thải nhựa dạt vào từ đại dương, và các nhà khoa học cho rằng khó có thể giải cứu được hòn đảo này khi mà "văn hóa" vứt rác bừa bãi vẫn tồn tại.
Tháng trước, nhà nghiên cứu Jennifer Lavers làm việc tại Australia đã dẫn đầu một nhóm tới đảo Henderson để làm sạch hòn đảo này. Nhóm của bà Lavers đã thu gom được 6 tấn rác thải nhựa trên bờ biển trong hai tuần.
Bà Lavers nhấn mạnh kinh nghiệm thực tế cho thấy những nỗ lực làm sạch môi trường như vậy không phải là một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm đại dương. Do đó, bà hối thúc các chính phủ trên thế giới cần siết chặt việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao ý thức giảm ô nhiễm rác thải nhựa.
Năm 2015, bà Lavers đã dẫn dắt cuộc khảo sát đầu tiên tới khu vực trên và phát hiện tình trạng rác thải nhựa tại đây với mật độ khoảng 700 mảnh rác thải nhựa/m2, trở thành một trong những nơi có mật độ rác thải nhựa cao nhất hành tinh.
[Côn Đảo: Giải cứu cá thể rùa biển quý hiếm khỏi rác thải nhựa]
Đảo Henderson rộng 3.700ha, là một trong số ít đảo san hô có hệ sinh thái hoang sơ chưa từng bị tác động bởi con người. Với hệ sinh thái phong phú, Henderson đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới năm 1988.
Hòn đảo này nằm ở giữa New Zealand và Peru, cách đất liền khoảng 5.500km. Dù có vị trí tách biệt như vậy, nhưng nằm gần trung tâm của dòng chảy đại dương, nên hòn đảo hẻo lánh này phải hứng chịu lượng rác thải khổng lồ của con người./.