Kêu gọi thiết lập quỹ toàn cầu hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng của COVID-19

Trong năm 2020, số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu từ mức 152 triệu của năm 2016, cũng trong khoảng thời gian trên, sản lượng kinh tế thế giới đã tăng thêm 10 nghìn tỷ USD.
Kêu gọi thiết lập quỹ toàn cầu hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng của COVID-19 ảnh 1 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 tại San Salvador, El Salvador ngày 22/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước thực trạng hàng nghìn trẻ em bị cưỡng bức lao động mỗi ngày, các nhà hoạt động đi đầu trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em ngày 22/9 đã kêu gọi thiết lập một quỹ bảo trợ xã hội toàn cầu nhằm ngăn chặn sự mất mát của một thế hệ do COVID-19.

Đại dịch đã buộc nhiều quốc gia, từ Mỹ đến Rwanda, phải chi hàng nghìn tỷ USD cho các biện pháp trong ngắn hạn, trong đó có các khoản hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình khó khăn, để giúp người dân vượt qua những cú sốc kinh tế. 

Tại một sự kiện diễn ra dưới hình thức trực tuyến, các nhà vận động đề xuất một phần số tiền này có thể được sử dụng để triển khai một quỹ cung cấp tiền mặt cho người nghèo, trợ cấp cho người cao tuổi, người tàn tật, người thất nghiệp và trẻ em.

Ông Kailash Satyarthi, nhà hoạt động người Ấn Độ được trao giải Nobel Hòa bình năm 2014, kêu gọi trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cần phải hành động trực tiếp và nhanh chóng thông qua việc cung cấp bảo trợ xã hội cho tất cả trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp, những đối tượng dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ bị bóc lột lao động, buôn bán và nô lệ. 

Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong năm 2020, số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu từ mức 152 triệu của năm 2016. Cũng trong khoảng thời gian trên, sản lượng kinh tế thế giới đã tăng thêm 10 nghìn tỷ USD.

[Báo động bùng phát các ca mắc COVID-19 ở trẻ em tại Mỹ]

Tại các khu vực đang phát triển như châu Phi, nơi có phần lớn lao động trẻ em trên thế giới, nhiều người lao động thường xuyên phải làm những công việc phi chính thức và không có quyền lợi cơ bản như lương tối thiểu, đã đẩy nhiều trẻ em phải kiếm việc làm để phụ giúp gia đình.

Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động quốc tế có trụ sở tại Brussels (Bỉ), bà Sharan Burrow, nhận định bảo trợ xã hội là nhu cầu hoàn toàn cơ bản. Bà nhấn mạnh: "Nếu chúng ta có quỹ để xây dựng các hệ thống bảo trợ xã hội dành cho 55% dân số thế giới không được hưởng bảo trợ xã hội và 72% có ít hoặc không có bảo trợ xã hội, nó sau này sẽ đem lại tiền bạc và việc làm cho nền kinh tế."

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hơn 50% dân số thế giới không được bảo trợ xã hội, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chính phủ các nước hỗ trợ nhiều hơn cho người dân.

Số liệu của ILO cho biết thế giới hiện có 4,1 tỷ người đang không nhận được bất cứ hình thức bảo trợ xã hội nào.

ILO cho rằng để đảm bảo ít nhất một mức an sinh xã hội cơ bản, các quốc gia có mức thu nhập trên mức trung bình cần đầu tư thêm 750,8 tỷ USD/năm - tương đương 3,1% GDP của những nước này.

Trong khi đó, các nước thu nhập thấp sẽ cần đầu tư thêm 77,9 tỷ USD/năm - tương đương 15,9% GDP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.