Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tối và đêm 14/10 đến ngày 15/10, trên các sông khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu các sông khu vực Bắc Bộ, sông Hiếu (Nghệ An) lên mức báo động 1-báo động 2; các sông nhỏ ở Thanh Hoá, Hà Tĩnh lên mức báo động 1; hạ lưu các sông chính ở Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới báo động 1. Riêng mực nước vùng hạ lưu cửa sông thuộc thành phố Hải Phòng sẽ duy trì ở mức báo động 1-báo động 2 (do ảnh hưởng của nước dâng do hoàn lưu bão số 8 kết hợp với thủy triều).
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị, đặc biệt tại các tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, thành phố Hà Nội, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...Khi thấy các dấu hiệu đó, người dân cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thì lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp có khả năng xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới nên từ đêm 15/10 đến ngày 18/10, khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Tỉnh Nghệ An có tổng lượng mưa từ 100-200 mm/đợt, cục bộ có nơi trên 200 mm.
[Chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất]
Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có tổng lượng mưa từ 300-600 mm/đợt, cục bộ có nơi trên 600 mm. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có tổng lượng mưa phổ biến 100-300 mm/đợt, cục bộ có nơi trên 300 mm; đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường từ ngày 15/10, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ C; vùng núi có nơi dưới 18 độ C. Từ ngày 17-18/10, ở khu vực vùng núi phía Bắc trời rét, các tỉnh vùng đồng bằng trời lạnh, đêm và sáng trời rét.
Thủ đô Hà Nội, trời lạnh, đêm và sáng trời rét, nhiệt độ từ 19-22 độ C.
Trên biển, vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-3 m, biển động mạnh.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến 21 giờ ngày 14/10, do ảnh hưởng của mưa bão số 8 và áp thấp nhiệt đới đã gây sạt lở, ngập một số điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, trên tuyến quốc lộ 217B bị sạt taluy dương, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc hơn 10 vị trí với khối lượng khoảng 30 m3, lề đường bị xói trôi ở nhiều vị trí. Trên các tuyến đường tỉnh như đường 514, 516B, 522, 523C, 516… cũng bị sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc, xói trôi lề đường nhiều vị trí với khối lượng khoảng 200m3. Tại các vị trí tràn cũng bị ngập 4 điểm trên các đường tỉnh 519B, 521B. Hiện các đơn vị quản lý đường bộ đã cử người trực gác, đặt rào chắn, biển báo để đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện mực nước trên các sông ở Thanh Hóa đều ở mức thấp hơn so với báo động I. Riêng trên sông Yên lúc 17 giờ ngày 14/10 mực nước đạt 2,06m, trên báo động I là 0,06m và đang tiếp tục lên.
Trên địa bàn tỉnh có 610 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 385 hồ đã đầy nước, còn lại 225 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường. Mực nước các hồ lớn tính đến 19 giờ ngày 14/10: Tại hồ Trung Sơn (huyện Quan Hóa) là 155,03m/160m; hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) là 95,10m/110m; hồ Sông Mực (huyện Như Thanh) là 31,80m/33m; hồ Yên Mỹ (huyện Nông Cống) là 18,85m/20,36m... Hiện các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa đã chủ động xả hạ thấp mực nước để đón lũ trong những ngày sắp tới.
Để ứng phó với mưa lũ, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang vận hành 1 trạm bơm tiêu tại Trạm Đồng Ngâu, huyện Thọ Xuân do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên sông Chu quản lý và 8 cống tiêu tại các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Nga Sơn, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa./.