Tối 15/7, tại Hà Nội, Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) phối hợp với Trung tâm Stimson (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo trực tuyến quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam và hậu quả chiến tranh: 25 năm bình thường hóa quan hệ.
Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink; Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ; Đại tá Lê Đình Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 701, một số chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam-Hoa Kỳ.
Ngày 11/7/1995 là ngày đặc biệt trong quan hệ hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ, đánh dấu sự kiện hai nước bình thường hóa quan hệ.
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là một trong số những yếu tố nền tảng góp phần cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong 25 năm qua, hai nước đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác phát triển. Từ hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích, đến nay, hai bên đã mở rộng sang lĩnh vực rà phá bom mìn, và đặc biệt là tẩy độc môi trường nhiễm dioxin tại Việt Nam.
Những lĩnh vực hợp tác này luôn được lãnh đạo cấp cao hai bên đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Trung tâm Stimson là một đơn vị có nhiều hoạt động về vấn đề châu Á, trong đó có những đóng góp quan trọng nhằm giải quyết vấn đề hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.
Giải quyết hậu quả chiến tranh không chỉ là vấn đề nhân đạo mà còn mở ra những cơ hội hợp tác giữa Việt Nam-Hoa Kỳ trên các lĩnh vực khác.
Cho rằng nhiều cựu chiến binh Việt Nam-Hoa Kỳ đã có đóng góp to lớn trong việc hàn gắn hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, Thượng nghị sỹ Patrick Leahy khẳng định, sau 25 năm bình thường hóa, quan hệ giữa Hoa Kỳ-Việt Nam đã có được những bước tiến dài mà ít người có thể hình dung.
Nhiều người đã phục vụ trong chiến tranh tại Việt Nam công nhận cuộc chiến là thảm họa đối với cả hai bên; do đó đã cùng nhau chung tay đóng góp vào quá trình hòa giải và cùng nhau nhìn về phía trước.
“Những nhà ngoại giao hai bên đã làm việc tích cực để thúc đẩy tiến trình hòa giải và đóng góp cho quan hệ hai nước; tiếp tục giải quyết các vấn đề như tìm kiếm quân nhân mất tích, xử lý bom mìn và chất độc hóa học, làm sạch các khu vực nhiễm dioxin. Mặc dù còn có sự khác biệt nhưng những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước tại Đông Nam Á có quan hệ tốt với Hoa Kỳ,” ông Patrick Leahy khẳng định; đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên có thể tiếp tục hợp tác để đạt được nhiều kết quả chung tốt hơn nữa.
[Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai]
Nhất trí cho rằng tầm nhìn và thiện chí là hai yếu tố quan trọng đã giúp cả hai bên hòa giải và trở thành đối tác như hiện nay, Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo trực tuyến lần này, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng, hợp tác khắc phục, giải quyết hậu quả chiến tranh đóng vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai bên, làm sâu sắc hơn lòng tin giữa hai nước.
Bày tỏ niềm tự hào trước những kết quả hai bên đã cùng nhau đạt được trong 25 năm qua, Đại sứ Hà Kim Ngọc nêu rõ: “Hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh như chất keo gắn kết để hai bên cùng nhau gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, thể hiện trách nhiệm về mặt đạo đức và sự đồng cảm, chia sẻ, cho thấy sự thay đổi sâu sắc nhận thức của hai bên.”
Cảm ơn tất cả những người bạn Hoa Kỳ trong nhiều năm qua đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình thúc đẩy quá trình bình thường hóa và tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước, với tầm nhìn và quyết tâm chính trị, Đại sứ Hà Kim Ngọc hy vọng Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ vượt qua quá khứ để mở rộng tầm nhìn, cùng phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp.
Đánh giá về những thành tựu hợp tác trong 25 năm qua giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, việc hai bên đạt được những bước phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, năng lượng, an ninh... đã góp phần thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau trên một định hướng chung, vì hòa bình, ổn định và quá trình phấn đấu đạt được cam kết về phát triển thịnh vượng của mỗi nước.
Khẳng định Hoa Kỳ luôn tôn trọng quyền tự quyết của các quốc gia và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh, những thành tựu trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước được đặt trên nền móng hiểu biết, tin cậy lẫn nhau.
Những kết quả đạt được trong quá trình hợp tác từ trước đến nay là công sức của hai bên.
Chia sẻ tại Hội thảo, Đại tá Lê Đình Vũ cho biết: Với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, trong giai đoạn 1973-1988, Việt Nam đã chủ động tìm, trao cho phía Hoa Kỳ 302 bộ hài cốt.
Trong 32 năm hoạt động hỗn hợp, gần 1.000 hòm hài cốt đã được trao trả. Phía Hoa Kỳ đã nhận dạng ADN được hơn 700 trường hợp.
Vừa qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người nước ngoài mất tích đã ký Bản ghi nhận ý định về việc tiếp nhận gói hỗ trợ nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh.
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, các hoạt động hỗn hợp bị gián đoạn, phía Việt Nam đã đơn phương khai quật một số vụ khó và đã tìm được một bộ hài cốt trên đỉnh núi cao tại tỉnh Quảng Bình.
Dự kiến Lễ trao trả hài cốt cho phía Hoa Kỳ sẽ tổ chức vào ngày 16/7/2020, tại Văn phòng MIA Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác tổ chức thực hiện thành công dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, tiếp tục triển khai thực hiện dự án Xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1, thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất da cam/dioxin; tổ chức các hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới liên quan đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, Đại tá Lê Đình Vũ cho biết, Văn phòng 701 mong muốn các cơ quan chức năng của hai bên tiếp tục tổ chức thực hiện các nội dung được lãnh đạo cấp cao hai nước nêu trong tuyên bố chung, nhất là tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam vào tháng 11/2017.
Theo đó, hai bên tiếp tục hợp tác thực hiện dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, hướng tới xử lý hoàn toàn khối lượng đất, trầm tích nhiễm tại khu vực này (ước tính khoảng 500.000m3); hợp tác thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất da cam/dioxin, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo đảm hòa nhập xã hội cho người khuyết tật.
Đồng thời, hai bên cần hợp tác tổ chức thực hiện Biên bản ghi nhớ và 9 điểm hợp tác về khắc phục hậu quả bom mìn đã được thống nhất; phối hợp tổ chức thực hiện tìm quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam để đưa họ trở về đoàn tụ với quê hương, gia đình.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cho ý kiến về một số nội dung khác như: Vai trò của các di sản chiến tranh trong mối quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam và tiến trình khắc phục hậu quả chiến tranh từ trước đến nay qua góc nhìn của Việt Nam; góc nhìn của Hoa Kỳ về vai trò của các di sản chiến tranh trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam; những thách thức trong khắc phục hậu quả bom mìn và công việc của Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam đã và đang thực hiện ở Quảng Trị; vấn đề chất độc da cam/dioxin và cung cấp những thông tin về vai trò lịch sử và tầm quan trọng của vấn đề này trong mối quan hệ song phương; tiếp tục mở rộng cơ hội hợp tác, Hoa Kỳ cam kết giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh một cách có trách nhiệm để xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Hoa Kỳ trong tương lai./.