Thực hiện Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 của Thủ tướng Chính phủ, việc hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và giám sát 24/7 qua hệ thống giám sát tàu cá (VMS) là một trong những giải pháp quan trọng để gỡ “thẻ vàng" IUU.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, qua hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase và hệ thống giám sát tàu cá còn 223 tàu cá tại các tỉnh còn hạn giấy phép khai thác nhưng chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với tàu cá có giấy phép khai thác thủy sản chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các địa phương phải khẩn trương lắp đặt, đảm bảo 100% số lượng tàu cá còn hạn Giấy phép khai thác thủy sản được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Đối với tàu cá không còn khả năng hoạt động, nằm bờ chưa lắp đặt thiết bị, các tỉnh, thành phố ven biển cần thống kê danh sách chi tiết, vị trí tàu đang nằm bờ, giao cơ quan, đơn vị quản lý và có báo cáo định kỳ về Tổng cục Thủy sản. Cùng với đó là sớm có biện pháp giải bản đối với các tàu cá bị chìm, cháy, mất tích, nước ngoài bắt giữ tịch thu, ngân hàng tịch thu theo quy định.
[Bà Rịa-Vũng Tàu lập 3 chốt kiểm soát liên ngành IUU kiểm tra tàu cá]
Đến nay, số lượng tàu cá bị mất kết nối trên 1 năm là 2.335 tàu, chiếm 8% so với tổng số lượng tàu đã được lắp đặt có trên hệ thống giám sát tàu cá. Đặc biệt, nhiều tàu cá đã bị mất kết nối từ năm 2019, 2020 cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu trở lại. Cụ thể, từ năm 2019 có 30 tàu, từ năm 2020 có 524 tàu.
Với những tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không có tín hiệu kết nối dài ngày trên hệ thống giám sát tàu cá, ông Nguyễn Quang Hùng đề nghị các địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ số tàu cá này như các tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình.
Trong quá trình vận hành hệ thống giám sát tàu cá, ông Nguyễn Quang Hùng còn cho biết, nhiều địa phương chưa tổ chức trực vận hành hệ thống giám sát tàu cá 24/7 như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi.
Nhiều địa phương như: Hà Tĩnh, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu đến nay chưa ban hành quy chế, quy trình xử lý thông tin tàu cá trên hệ thống giám sát tàu cá.
“Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương khẩn trương sắp xếp, bố trí nhân lực để trực 24/7, ban hành đầy đủ và thực hiện đúng theo các quy chế, quy trình đã xây dựng. Phối hợp trả lời kết quả xử lý vụ việc khi nhận được thông báo tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên mất kết nối trên 10 ngày trên biển, vượt ranh giới cho phép trên biển từ trực ban Tổng cục Thủy sản cho đến khi kết thúc vụ việc,” ông Hùng nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, hiện tình hình tàu cá duy trì hoạt động của thiết bị có kết nối trung bình hàng ngày tại các tỉnh thành vẫn còn thấp so với số lượng tàu cá đã lắp (chỉ đạt khoảng 50%).
Một số tỉnh có tỷ lệ tàu cá kết nối cao hàng ngày từ 70-80% như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Các tỉnh có tỷ lệ tàu cá kết nối hàng ngày thấp dưới 30% như: Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi.
Với tình hình trên, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần rà soát toàn bộ khối tàu từ 15m trở lên của tỉnh đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng không duy trì hoạt động, tránh tình trạng các tàu cá này tham gia khai thác thủy sản.
Gần đây, lực lượng chức năng các địa phương còn phát hiện tình trạng tháo thiết bị giám sát hành trình của tàu cá rồi nhờ “giữ hộ” trên tàu cá khác. Trước tình trạng này, ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho rằng, khi đã cố tình tháo thiết bị ra khỏi tàu thì rất khó mà quản lý.
Để ngăn chặn tình trạng trên, các nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình cần lắp đặt thiết bị tại những vị trí không thể tháo gỡ và niêm phong với bộ phận thân tàu. Các cơ quan quản lý xuất nhập bến cần kiểm tra việc niêm phong kẹp chì cũng như mã kẹp chì của các thiết bị khi tàu xuất/nhập bến.
Cùng với đó, căn cứ vào dữ liệu giám sát hành trình trên hệ thống giám sát tàu cá, các lực lượng tuần tra tăng cường phân tích, nhận định các hiện tượng tàu trùng hành trình, tín hiệu đứng yên một chỗ lâu ngày... để có thể tuần tra, kiểm soát phát hiện tình trạng tàu tháo thiết bị gửi sang tàu khác hoặc để trên bờ để tham gia khai thác thủy sản trái phép.
Nhằm quản lý việc tàu đã được lắp đặt thiết bị đúng theo quy định của Luật Thủy sản; tránh chủ tàu tự tháo gỡ thiết bị ra khỏi tàu; quản lý việc niêm phong thiết bị khi lắp đặt trên tàu cá, ông Lê Văn Ninh đề nghị các địa phương khẩn trương bạn hành Quy trình tháo lắp thiết bị phục vụ trong quản lý và đảm bảo quyền lợi cho chủ tàu cá.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay, còn khá nhiều địa phương chưa ban hành Quy trình lắp đặt, tháo dỡ, thay thế thiết bị như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu./.