“Cải tổ và kiện toàn lực lượng kiểm lâm là cần thiết để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nếu lời giải chỉ đơn giản là khắc xuất, khắc nhập như đã làm một vài lần gần đây thì chắc chắn sẽ không đi đến đâu. Thậm chí còn gây tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở. Dễ thấy nhất là các ban quản lý rừng sẽ bị 'chặt tay,' phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, không thể chủ động bố trí các phương án ứng phó ngay lập tức khi có vụ việc xảy ra.”
Đó là nhận định của ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên trước thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định mới về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, trong tiến trình hướng dẫn Luật Lâm Nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2019.
Dù đã qua nhiều lần sửa đổi, song vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về điểm mới của Nghị định là “Đối với các Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ có Hạt Kiểm lâm sẽ thuộc Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm quản lý”-Tức là tách Hạt kiểm lâm về cấp Cục, hoặc địa phương quản lý.
Cải tổ kiểm lâm, nguy cơ mất rừng?
Theo Dự thảo Tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển lực lượng kiểm lâm về Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm quản lý sẽ góp phần giải quyết bất cập hiện nay, khi cơ cấu bộ máy tổ chức kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương còn rời rạc, chưa có sự thống nhất.
Hiện nay, nhiều nơi trên cùng một địa bàn còn nhiều tổ chức kiểm lâm. Trong đó, kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có nơi thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, nơi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi thuộc các chi cục kiểm lâm; dẫn đến thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, xử lý vi phạm…
Cũng theo dự thảo, kiểm lâm có thẩm quyền điều tra, khởi tố hình sự, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Tuy nhiên, các tổ chức kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lại nằm trong đơn vị sự nghiệp là các Ban quản lý rừng, là viên chức kiểm lâm dẫn đến khó khăn, bất cập trong các hoạt động thực thi pháp luật theo thẩm quyền.
Ngoài ra, còn bất cập giữa công chức và viên chức, trong đó, viên chức chiếm 28% tổng biên chế; kiểm lâm làm việc tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cần một số vị trí là biên chế công chức để thực thi công vụ nhưng hầu hết vẫn là viên chức (duy nhất chỉ có Giám đốc Ban quản lý kiêm Hạt trưởng là công chức).
Vì thể, để phù hợp với Luật Lâm nghiệp, phù hợp với thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết việc xây dựng Nghị định về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng sẽ thay thế Nghị định 119/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm và Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.
Dự thảo Nghị định về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có điểm mới hơn so với Nghị định 119 là đối với các Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ có Hạt Kiểm lâm sẽ thuộc Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm quản lý để thống nhất đầu mối tổ chức kiểm lâm.
Tuy nhiên, ở cấp cơ sở, đại diện nhiều Vườn quốc gia, Khu bảo tồn lại cho rằng lý giải nêu trên không thuyết phục và việc đưa lực lượng kiểm lâm về trực thuộc Cục/Chi cục Kiểm lâm chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của các Ban Quản lý Vườn quốc gia, Khu bảo tồn do bị “mất” lực lượng, cũng như không chủ động được việc chỉ đạo, điều hành.
Ngoài ra, dự thảo cũng “quên” nhắc tới việc quy trách nhiệm của từng đơn vị, đối tượng cụ thể (như Hạt Kiểm lâm, Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn) khi để xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật, khai thác lâm sản trái phép, mất rừng…khiến nhiều Vườn quốc gia, Khu bảo tồn lo lắng.
Từ thực tế nêu trên, ông Võ Sỹ Chung, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum đặt ra câu hỏi nếu điểm mới của dự thảo Nghị định trên “đi vào cuộc sống” thì ai chịu trách nhiệm khi mất rừng, ai bảo vệ rừng đặc dụng, có vi phạm thì ai sẽ vào bắt giữ khi Vườn không còn kiểm lâm?.
[Vụ phá rừng Nam Kar ở Đắk Lắk: Kỷ luật 4 cán bộ kiểm lâm]
Với kinh nghiệm quản lý từ thực tế, ông Chung khẳng định “khi đó chắc chắn sẽ mất rừng.” Ông Chung cho biết, trước đây, ông từng làm ở Ban quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông, thực hiện theo Quyết định 17/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển giao Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ cho Chi cục Kiểm lâm quản lý nhưng chỉ chuyển giao 4 cán bộ. Tuy nhiên, thực tế đã để xảy nhiều vấn đề, vi phạm tăng lên. Theo ông Chung, đó là nhược điểm của Hạt Kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Vẫn theo ông Chung, nếu Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia, Khu bảo tồn tách ra, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm thì khi xảy ra các vi phạm lâm luật, các Vườn/Khu bảo tồn gọi điện báo thì chưa chắc kiểm lâm đến kịp thời. “Tuy nhiên, nếu thuộc Ban quản lý thì sẽ thực hiện được ngay vì nếu trực thuộc Ban quản lý thì có lệnh là phải đi vì họ ăn lương của Vườn mà,” ông Chúng giải thích.
Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cũng cho rằng nếu các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn chỉ có lực lượng chuyên trách thì không thể bắt giữ người khi xảy ra vi phạm. Nếu áp dụng Nghị định với điểm mới như vậy thì chắc chắn sau này sẽ xảy ra rất nhiều vi phạm lâm luật trong rừng đặc dụng.
“Trường hợp, nếu đưa Hạt của Vườn về Chi cục thì mất rừng Hạt Kiểm lâm đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ không thể đổ trách nhiệm lên Ban quản lý Vườn quốc gia,” ông Chung nhấn mạnh.
Nói về mô hình tổ chức kiểm lâm theo điểm mới của Nghị định, ông Chung khẳng định mô hình quản lý bảo vệ rừng tốt nhất nên dừng lại như hiện nay vì trước năm 2004, rừng đặc dụng không có Hạt Kiểm lâm đã gặp nhiều khó khăn trong bảo vệ rừng. Từ khi có lực lượng kiểm lâm của Vườn thì họ đã đấu tranh bảo vệ rừng và đôi khi còn bị hành hung vì đã dũng cảm, quyết liệt bảo vệ rừng.
“Nếu không có Hạt Kiểm lâm thì các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn coi như đã bị chặt đứt cánh tay phải,” ông Chung khẳng định khi đó rừng sẽ mất nhiều hơn.
Cùng chung nỗi lo, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng), cho rằng nên duy trì biên chế kiểm lâm trong các Vườn quốc gia vì Vườn quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt. Trên thế giới, tất cả các Vườn quốc gia đều có mô hình kiểm lâm trực thuộc Vườn. Việc tách kiểm lâm ra khỏi Vườn theo dự thảo sẽ làm khó cho công tác quản lý.
Ông Võ Văn Sung, nguyên Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu cũng kiến nghị “nên để nguyên mô hình quản lý bảo vệ rừng như cũ. Đồng thời trao thêm quyền hạn cho Hạt Kiểm lâm tại các Vườn/Khu bảo tồn tương đương như Hạt kiểm lâm cấp huyện, hoặc Chi cục kiểm lâm.”
Quy định mới đang đi lại “vết xe đổ”?
Lấy bằng chứng thực tế thất bại từ nghị định trước đây khi thử nghiệm áp dụng ở đơn vị, ông Nguyễn Đại Phú, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) cho biết, năm 2010, Vườn quốc gia này đã thí điểm tách Hạt Kiểm lâm ra khỏi Vườn để đưa về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý theo đề nghị của Cục Kiểm lâm.
Tuy nhiên, chỉ sau hai năm thì Vườn đã phải nhập lại Hạt Kiểm lâm như mô hình cũ vì Chi cục ở xa không thể bảo vệ được rừng, trong khi Vườn không thể thực hiện nhiệm vụ này vì thiếu lực lượng.
Theo ông Phú, khi tách Hạt Kiểm lâm ra thì rừng mất nhiều hơn, và cũng không có người chịu trách nhiệm, bởi lý do “Hạt Kiểm lâm nói chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn thôi, còn bảo vệ rừng là việc của Vườn, nhưng Vườn không có kiểm lâm, không còn lực lượng nữa thì bảo vệ sao hiệu quả?”
Ông Phú cho rằng nhiệm vụ của kiểm lâm là phải bảo vệ tận gốc, phải nằm ở trong Vườn chứ bây giờ tách, dời Hạt Kiểm lâm về thuộc Chi cục thì sẽ mất rừng. “Tôi khẳng định điều đó,” ông Phú nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập cũng lưu ý, nếu Ủy ban Nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý thì sẽ có điều kiện thuận lợi hơn và hiệu quả hơn. Chẳng hạn khi xảy ra cháy rừng, Giám đốc Vườn trực tiếp làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, tỉnh sẽ điều động lực lượng.
“Còn nếu Hạt Kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm, thì Chi cục sẽ phải báo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở lại báo cáo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phụ trách, Phó Chủ tịch tiếp tục báo cáo Chủ tịch, như vậy thì quá trễ,” ông Phú lo lắng.
[Chính quyền "bó tay" nhìn rừng phòng hộ bị lấn chiếm 22 năm]
Với kinh nghiệm nhiều gắn bó với công tác quản lý và bảo vệ rừng, ông Phú cho rằng khi Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia thuộc Chi cục Kiểm lâm thì vị trí của Vườn sẽ giảm rất nhiều, uy lực không có nên rất khó hoạt động nếu không muốn nói là không hoạt động được.
“Không những thế, tư tưởng của các cán bộ của Vườn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi họ đều biết nếu Hạt không thuộc Vườn nữa thì chắc chắn thuận lợi hơn cho lâm tặc. Ngay cả lâm tặc cũng biết điều này. Vì vậy, tuyệt đối không thể đưa Hạt về Chi cục, về là mất rừng,” ông Phú nhấn mạnh.
Riêng đối với 6 Vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo ông Phú thì có thể đưa Hạt Kiểm lâm của Vườn quốc gia về Cục Kiểm lâm quản lý vì trên thực tế, 6 vườn này vốn thuộc Bộ và vẫn được sự hỗ trợ trực tiếp từ các tỉnh.
Để ghi nhận thêm ý kiến từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) nhằm làm rõ điểm mới quan trọng của dự thảo, tuy nhiên ông Tùng xin từ chối trả lời với lý do “dự thảo chưa được ban hành nên nói sao được.”
“Giờ Vườn quốc gia đang thuộc Tổng cục Lâm nghiệp quản lý, kiểm lâm chỉ có một phần ở đấy thôi. Cho nên cấp độ quản lý và làm thế nào phải là Tổng cục quyết định, còn Cục Kiểm lâm chỉ thực hiện theo thôi. Khi nào Tổng cục giao cho Cục thì mình sẽ có ý kiến,” ông Tùng thông tin.
Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm cũng cho biết, hiện dự thảo Nghị định đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện theo góp ý của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trong khi đó, nhìn nhận từ cấp độ cao hơn, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trước đây đã có mô hình ban quản lý không có Hạt Kiểm lâm nhưng hơn chục năm qua không xảy ra tình trạng vi phạm nào về bảo vệ rừng. Do đó, chắc chắn thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển các mô hình không có Hạt Kiểm lâm trong các Ban quản lý rừng../.