Khai mạc Đối thoại cơ hội kinh doanh Trung Quốc-ASEAN tại Bắc Kinh

300 đại biểu Trung Quốc và ASEAN tham dự “Đối thoại cơ hội kinh doanh Trung Quốc-ASEAN,” do Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc-ASEAN tổ chức chiều 26/7, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Khai mạc Đối thoại cơ hội kinh doanh Trung Quốc-ASEAN tại Bắc Kinh ảnh 1Tham tán Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Đào Việt Anh đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung. (Ảnh: Vĩnh Hà/Vietnam+)

Chiều 26/7 tại thủ đô Bắc Kinh, Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc-ASEAN (CABC) tổ chức “Đối thoại cơ hội kinh doanh Trung Quốc-ASEAN” với sự tham gia của 300 đại biểu Trung Quốc và ASEAN, trong đó gồm có nhiều doanh nghiệp, quan chức ngoại giao và thương mại đến từ các nước.

Các đại biểu đã tiến hành trình bày và thảo luận tại đối thoại với chủ đề “Ứng phó biến đổi, chung sức phát triển.”

Phát biểu khai mạc đối thoại, Chủ tịch CABC Hứa Ninh Ninh cho biết năm nay kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN.

Trong 15 năm qua, sự hợp tác toàn diện, triển khai sâu rộng, hợp tác ngày càng mật thiết, phong phú không những đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN, mà còn đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như ổn định khu vực.

Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Hứa Ninh Ninh, trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và ASEAN - quan hệ thương mại Trung Quốc-ASEAN có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Tại đối thoại, các tham tán ASEAN cũng đã tiến hành giới thiệu về tình hình sản xuất kinh tế của từng nước và các chính sách hữu quan, đồng thời cùng với các đại biểu Trung Quốc chia sẻ những cơ hội kinh doanh đáng nắm bắt.

[Việt Nam trở thành bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN]

Tham tán Thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ông Đào Việt Anh cho hay Trung Quốc hiện xếp thứ tám trong số các nước đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất vào Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc đang không ngừng mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc cũng đã vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2017 với mức tăng trưởng 23,4%.

Theo Tham tán Đào Việt Anh, 2 năm tới, hai bên sẽ có tiềm lực phát triển to lớn trong các lĩnh vực hợp tác như ngành chế tạo và lắp ráp linh kiện, công nghệ cao, năng lượng, trồng trọt và chăn nuôi thủy sản, gia công thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng và y dược…

Cuối buổi đối thoại, các đại biểu hai bên đã ra “Đề xuất Bắc Kinh” và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, trong đó nhấn mạnh việc tích cực tăng cường trao đổi thông tin trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, kỹ thuật, công nghệ và thị trường; phối hợp thực thi Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN, phối hợp triển khai các dự án hợp tác kinh tế giữa các chính phủ…

Tính đến tháng 5/2018, tổng lượng đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN đã vượt 200 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào các nước ASEAN lên tới 86,5 tỷ USD, trong khi phía ASEAN đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc là 113,9 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.