Khai mạc Hội nghị về các vấn đề giải trừ quân bị tại Nhật Bản

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh việc nhắc lại tính vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân nên là xuất phát điểm của cuộc thảo thuận tại Hội nghị về các vấn đề giải trừ quân bị.
Khai mạc Hội nghị về các vấn đề giải trừ quân bị tại Nhật Bản ảnh 1Ông Kim Won-soo - Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về các vấn đề giải trừ quân bị. (Nguồn: Un.org)

Hội nghị của Liên hợp quốc về các vấn đề giải trừ quân bị lần thứ 26 khai mạc ngày 12/12 tại thành phố Nagasaki, miền Tây Nam Nhật Bản.

Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 60 người gồm giới chức, học giả Nhật Bản và các tổ chức phi lợi nhuận đến từ khoảng 20 nước, trong đó có ông Kim Won-soo - Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc về các vấn đề giải trừ quân bị.

Trong đoạn băng thông điệp được phát tại hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh: "Việc nhắc lại tính vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân nên là xuất phát điểm của cuộc thảo thuận."

Nhật Bản là nước chủ nhà của hội nghị trên từ năm 1989. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức kể từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 5 vừa qua tới Hiroshima, một trong hai thành phố của Nhật Bản (cùng với Nagasaki) bị Mỹ thả bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Vào ngày 6/8/1945, Hiroshima trở thành thành phố đầu tiên của Nhật Bản phải hứng chịu quả bom nguyên tử của quân đội Mỹ, ba ngày sau đó thành phố Nagasaki là mục tiêu tiếp theo.

Ước tính, khoảng 140.000 người đã thiệt mạng tại Hiroshima và khoảng 75.000 người thiệt mạng tại Nagasaki.

Việc ném hai quả bom nguyên tử đã để lại những vết sẹo cho nhiều thế hệ người Nhật Bản cả về tinh thần và thể xác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.