Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc đưa tin, phát biểu tại phiên thảo luận chung của Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế (Ủy ban 1) đang diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình và an ninh, thúc đẩy văn hóa tuân thủ và hành xử phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nêu rõ lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ chống phổ biến, giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, nhất là vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, khẳng định cam kết cùng các nước phấn đấu cho mục tiêu chung này, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm phát triển kinh tế-xã hội.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng trân trọng cảm ơn, đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế, các nước và đối tác giúp Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, nhất là trong lĩnh vực rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân.
Trước đó, phát biểu khai mạc phiên thảo luận, ông Kim Won-soo, Đại diện Cấp cao về các vấn đề giải trừ quân bị cho rằng các nước, nhất là những nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân, cần nỗ lực quyết tâm chính trị hơn nữa, tăng cường hợp tác trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, hạn chế khác biệt, linh hoạt và sáng tạo để cùng xây dựng một cơ chế pháp lý cho việc sở hữu và phổ biến vũ khí hạt nhân, tiến tới mục tiêu cuối cùng là giải trừ hoàn toàn loại vũ khí này.
Tại phiên thảo luận chung, đại diện các khu vực, tổ chức, trong đó có Phong trào Không liên kết, ASEAN bày tỏ quan ngại về sự bế tắc của giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân qua nhiều năm, kêu gọi các nước tăng cường nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác và đi vào thảo luận thực chất vấn đề này một cách toàn diện và có trách nhiệm trên cơ sở các biện pháp ngoại giao, đối thoại, xây dựng lòng tin; đồng thời khẳng định quyền chính đáng của mỗi quốc gia trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều nước nhấn mạnh sự cấp thiết cần thúc đẩy các khu vực phi vũ khí hạt nhân, tăng cường kiểm soát không để vũ khí hạt nhân rơi vào tay của khủng bố và tội phạm, kêu gọi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cần hành xử có trách nhiệm hơn để đẩy mạnh các cơ chế về giải trừ quân bị hiện hành như Hội nghị Giải trừ quân bị, Ủy ban Liên hợp quốc về giải trừ quân bị và thúc đẩy các điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan sớm có hiệu lực và được phổ cập.
Kỳ họp của Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế thảo luận nhiều đề mục về các vấn đề quan trọng như giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, cải tổ bộ máy giải trừ quân bị, tăng cường an ninh quốc tế, bảo đảm an ninh an toàn ngoài khoảng không vũ trụ./.