Khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên ở nước ngoài

Diễn ra từ ngày 16/8-31/8, tại Hà Nội, Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm nay thu hút hơn 60 giáo viên người Việt Nam từ 17 quốc gia tham dự.
Khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên ở nước ngoài ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu khai mạc. (Nguồn: Quân Đội Nhân Dân)

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khai mạc "Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023."

Tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng bày tỏ trân trọng những nỗ lực và trách nhiệm của các giáo viên không chuyên trong công tác bảo tồn, duy trì dạy tiếng Việt, lưu giữ các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Sinh sống, học tập, làm việc ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, song các thầy cô luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết trong trao truyền các giá trị dân tộc, nhất là ngôn ngữ mẹ đẻ để các thể hệ trẻ nói và giữ gìn hồn cốt của dân tộc-tiếng Việt.

Trong thời gian tập huấn, với những nỗ lực, tình cảm và trách nhiệm của các giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và nhiều cơ quan khác, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tin tưởng, các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được trang bị thêm các kỹ năng sư phạm, kiến thức để khi trở lại nơi định cư sẽ tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ” ý nghĩa.

Qua các hoạt động ngoại khóa và giao lưu với các thầy cô dạy tiếng Việt ở trong nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mong muốn các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thiết lập mạng lưới kiều bào yêu tiếng Việt, dạy tiếng Việt ở khắp trên thế giới. “Trách nhiệm, tình yêu quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ là động lực bền vững giúp các thầy cô duy trì sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt, trao truyền giá trị văn hóa cho cộng đồng ta ở nước ngoài - một cộng đồng ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng,” Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

[Tăng cường công tác dạy tiếng Việt tại Bệnh viện 103 Quân đội Lào]

Diễn ra từ ngày 16/8-31/8, tại Hà Nội, Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm nay thu hút hơn 60 giáo viên người Việt Nam từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự.

Khóa tập huấn được thiết kế 20 buổi học chuyên môn với 3 nội dung chính: Những vấn đề ngôn ngữ học đại cương và tiếng Việt; Tiếng Việt trong đời sống văn hóa Việt Nam; Phương pháp dạy học tiếng Việt và kiểm tra đánh giá. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, đến nay, Khóa tập huấn đã thu hút hơn 800 giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia.

Với hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các Khóa tập huấn nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; đồng thời đáp ứng tình cảm và nguyện vọng của bà con kiều bào mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ dạy tiếng Việt cho con em mình.

Khóa tập huấn là một trong số những hoạt động gắn với công tác cộng đồng, có đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức và hoạt động về tiếng Việt trong cộng đồng với sự tham gia của các cơ quan đại diện của Việt Nam, tổ chức và cá nhân kiều bào, sự hợp tác và hỗ trợ của sở tại.

Bên cạnh đó, đây còn là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, sư phạm của giáo viên trong việc giảng dạy tiếng Việt theo giáo trình dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

Tham dự Khóa tập huấn, các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài được tham gia các hoạt động bên lề nhằm tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, công cuộc đổi mới toàn diện ở trong nước, gắn sự phát triển của tiếng Việt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục