Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week-VIDW2022) với chủ đề "Đối tác toàn cầu vì Tương lai số Bền vững" do Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc vào sáng ngày 11/10 tại Hà Nội.
Tham dự khai mạc VIDW2022 có hơn 350 đại biểu là Lãnh đạo các Bộ chuyên ngành, các cơ quan quản lý, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số của các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 11-14/10 tập trung thúc đẩy và mở rộng các quan hệ đối tác số, với các ưu tiên: Hoàn thiện thể chế và môi trường quản lý, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ số, hạ tầng số; xây dựng không gian mạng an toàn và tin cậy; nâng cao kỹ năng số cho người dân.
[Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022: Xúc tiến nhiều cơ hội hợp tác]
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Hợp tác số giữa các nước ASEAN nhằm mục đích để tạo ra một ASEAN số.
"Để thực hiện One ASEAN thì chuyển đổi số và hợp tác số là lời giải tốt nhất. Việt Nam mong muốn ký kết hợp tác đối tác số với các nước ASEAN và các quốc gia khác. Hợp tác đối tác số là một kiểu hợp tác mới. Chúng ta sẽ có các diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc để bàn về phát triển đối tác số," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Trong khuôn khổ VIDW 2022, phiên toàn thể là dịp để cơ quan hoạch định chính sách của các nước chia sẻ các chiến lược, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển số, kinh nghiệm quản lý và đo lường kinh tế số, các ưu tiên trong việc xây dựng và thiết lập quan hệ đối tác số với Việt Nam và khu vực.
Hội nghị ASEAN về 5G diễn ra ngay sau phiên toàn thể, là sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G.
Mục tiêu của Hội nghị lần này là nhằm thảo luận về phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về Lộ trình thực hiện 5G cho ASEAN trong giai đoạn từ nay đến 2025.
Việc thành lập Nhóm chuyên trách ASEAN về phòng chống tin giả (TFFN) cũng là một sáng kiến của Việt Nam, được các nước ASEAN ủng hộ và đánh giá cao.
Tại cuộc họp lần này của TFFN, các nước sẽ trao đổi về cơ chế, chính sách, kinh nghiệm xử lý tin giả, thảo luận về việc xây dựng cơ chế hợp tác đặc trách giữa các nước ASEAN để xử lý và giảm thiểu tác hại về tin giả trong khu vực.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ phối hợp với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các tổ chức quốc tế tổ chức như Unesco, ITU, WB tổ chức các diễn đàn chuyên môn với các chủ đề khác nhau: Diễn đàn Chuyển đổi số vì một xã hội số mở rộng, Chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp và sản xuất thông minh, Phát triển kết nối số hướng đến Quan hệ đối tác số, Diễn đàn Kỹ năng số cho cộng đồng...
Trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế (Viet Nam International Digital Week) và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tổ chức Toạ đàm Why Viet Nam 2022 với chủ đề “Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế”.
Tọa đàm sẽ thảo luận các tiềm năng, cơ hội và giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ thiết lập quan hệ đối tác cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam và các nước.
Tuần lễ Quốc tế Việt Nam 2022 là dịp để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam, các nước ASEAN và các nước đối thoại trực tiếp kết nối, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển thị trường./.