Khai trương khóa đào tạo y tá và điều dưỡng Việt Nam tại Nhật

138 ứng viên Việt Nam đã bắt đầu các khóa học tiếng Nhật tại tỉnh Chiba, miền Đông Nhật Bản - bước chuẩn bị cho khóa đào tạo y tá và điều dưỡng viên đầu tiên tại đất nước này.
Khai trương khóa đào tạo y tá và điều dưỡng Việt Nam tại Nhật ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 9/6, các ứng viên y tá và điều dưỡng viên Việt Nam đã tham dự lễ khai trương chương trình đào tạo ở tỉnh Chiba, miền Đông Nhật Bản.

Theo báo Yomiuri số ra ngày 10/6, tổng số 138 ứng viên Việt Nam đã bắt đầu các khóa học tiếng Nhật hôm 9/6 là một phần trong chương trình cho phép họ làm công việc y tá và điều dưỡng viên ở Nhật Bản.

Trong số này, 21 ứng viên sẽ đảm nhiệm vị trí y tá và 117 người làm điều dưỡng viên. Đây là nhóm ứng viên đầu tiên đến Nhật Bản trên cơ sở Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.

Các ứng viên sẽ có hai tháng học tiếng Nhật, chủ yếu tập trung vào thuật ngữ kỹ thuật và các kỹ năng hội thoại cần thiết dành cho công việc cũng như khóa đào tạo nhập môn cho y tá và điều dưỡng viên.

Ngày 9/6, lễ khai trương chương trình này đã diễn ra tại Trung tâm đào tạo quốc tế Makuhari, tỉnh Chiba, với sự tham dự của các ứng viên Việt Nam, quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cùng lãnh đạo các bệnh viện và cơ sở chăm sóc y tế.

Chị Đinh Thị Dịu Hiền, đại diện cho nhóm ứng viên, bày tỏ sự tin tưởng rằng chương trình sẽ đóng góp tích cực cho mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam.

Chị Hồ Thị Hạnh Nguyên, 23 tuổi, chia sẻ: “Ở Việt Nam, công việc hộ lý vẫn chưa phát triển, vì vậy tôi hy vọng khi về nước, những kiến thức mà tôi được học ở Nhật Bản sẽ giúp ích nhiều cho sự phát triển nghề nghiệp của tôi trong tương lai.”

Các ứng viên tham gia khóa học đã có chứng chỉ y tá ở Việt Nam hoặc đã hoàn thành khóa học y tá hộ lý 3 hoặc 4 năm trước khi đến Nhật Bản. Trước khi đến Nhật Bản, họ cũng tham gia các khóa học một năm tiếng Nhật ở Việt Nam.

Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận các ứng viên y tá và điều dưỡng viên người Indonesia từ năm 2008 và Philippines từ năm 2009 dựa trên các chương trình đối tác kinh tế tương ứng.

Tuy nhiên, các ứng viên nước ngoài gặp nhiều khó khăn với tiếng Nhật. Một số chữ và các thuật ngữ tiếng Nhật trong các bài kiểm tra được cho là những rào cản đáng kể cho các ứng viên nước ngoài. Vì thế, tỷ lệ các ứng viên Indonesia và Phillippines vượt qua được các bài kiểm tra cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ y tá chỉ đạt khoảng 10%.

Trước tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản đã mở lớp tiếng Nhật sơ cấp cho các ứng viên Việt Nam và chỉ những người đã hội đủ kỹ năng hội thoại bình thường mới được phép đến Nhật Bản với tư cách ứng viên.

Sau khi tham gia chương trình này, các ứng viên đạt yêu cầu sẽ bắt đầu làm việc tại các bệnh viện và cơ sở chăm sóc y tế trên toàn đất nước Nhật từ tháng 8/2014 theo diện thực tập sinh trong khi vẫn phải tiếp tục phấn đấu để đạt được chứng chỉ y tá và điều dưỡng viên.

Theo thỏa thuận này, các ứng viên cho vị trí y tá sẽ được phép ở Nhật Bản tới ba năm và các ứng viên làm điều dưỡng sẽ có bốn năm để vượt qua các bài kiểm tra cấp quốc gia tương ứng. Nếu vượt qua các bài sát hạch này, họ sẽ có thể làm việc ở Nhật Bản không giới hạn thời gian./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.