Khám phá chấn động về lăng mộ của Hoàng đế Ai Cập Tutankhamun

Bộ Cổ vật Ai Cập vừa ra thông báo cho biết một cuộc thử nghiệm trong lăng mộ của Vua Tutankhamun (Vua Tut) có thể đã dẫn tới các căn phòng bí mật bị giấu kín.
Khám phá chấn động về lăng mộ của Hoàng đế Ai Cập Tutankhamun ảnh 1Quách chứa thi hài Vua Tutankhamun trong lăng mộ (Nguồn: DM)

Bộ Cổ vật Ai Cập vừa ra thông báo cho biết một cuộc thử nghiệm trong lăng mộ của Vua Tutankhamun (Vua Tut) có thể đã dẫn tới các căn phòng bí mật bị giấu kín.

Một đội nghiên cứu từ Khoa kỹ thuật, Đại học Cairo và một tổ chức có tên Di sản, Cách tân và Bảo tồn từ Paris đã sử dụng công nghệ dò hình ảnh hồng ngoại để kiểm tra nhiệt độ các bức tường trong lăng mộ.

Kết quả phân tích sơ bộ thấy rằng một khu vực tại tường phía Bắc có nhiệt độ khác hơn những khu vực còn lại. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của một căn phòng bí mật.

Diễn biến mới xuất hiện cùng thời điểm các nhà nghiên cứu công bố nhiều bức ảnh cổ về lăng mộ được màu hóa, nhân kỷ niệm 93 năm kể từ khi tìm ra công trình này. Các bức ảnh gốc được nhiếp ảnh gia người Anh Harry Burton chụp, trong quá trình khai quật.

Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập Mamdouh Eldamaty nói trong một thông báo rằng cuộc thử nghiệm nhằm tìm căn phòng bí mật của các nhà khoa học kéo dài đúng 24 giờ đồng hồ. Ông Eldamaty cho biết thêm rằng sẽ có các thử nghiệm khác diễn ra, nhằm xác định chính xác hơn khu vực có khác biệt về nhiệt độ.

Theo ông, các viết xước và dấu hiệu tại một số bức tường ở phía Bắc và phía Tây rất giống những dấu vết được nhà khảo cổ Howard Carter tìm thấy trên lối vào lăng mộ Vua Tut. Cuộc nghiên cứu diễn ra sau khi nhà Ai Cập học Nicholas Reeves từ Đại học Arizona nói rằng các hình ảnh có độ phân giải cao về lăng mộ cho thấy dấu vết của các đường thẳng đặc biệt, “không tự nhiên” ở trên những bức tường của lăng mộ. Các đường này nằm vuông góc với mặt đất, chỉ ra “hình bóng” của hai lối đi đã bị thợ xây mộ lấp lại.

Theo Reeves, một lối đi dẫn tới phòng chứa bình thường. Lối thứ hai, nằm bên phía Bắc lăng mộ Tutankhamun, có thể dẫn vào phòng chứa “thi hài chủ nhân ban đầu của lăng mộ là Nefertiti”. Ông cũng chỉ ra rằng lăng mộ Tutankhamun được thiết kế giống như giành cho Nữ hoàng, thay vì dành cho một vị vua.

Trong cuộc tiếp xúc với báo giới, Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập Mamdouh Eldamaty nói rằng ông đồng tình với các nhận định của Reeves. Ông cũng tin tưởng các căn phòng bí mật nằm sau những bức tường phía Bắc và phía Tây hầm mộ.

Khám phá chấn động về lăng mộ của Hoàng đế Ai Cập Tutankhamun ảnh 2Vị trí căn phòng bí mật (màu vàng) trong lăng mộ (Nguồn: DM)

Nếu nhận định của Reeves là chính xác, lăng mộ bị che giấu sẽ tráng lệ hơn bất kỳ thứ gì khác được tìm thấy trong phòng chôn chất Tutankhamu.

Ngoài ra, chúng có chứa di cốt của Nữ hoàng Nefertiti, người là vợ Pharaoh Akhenaten và được cho là mẹ của Tutankhamun (cũng có hướng giả thuyết nói một xác ướp có tên "Younger Lady" - Quý cô trẻ hơn- mới là mẹ Vua Tut). Sinh thời Nefertiti nổi tiếng sắc nước hương trời. Tuy nhiên sau khi bà đột tử vào năm 1340 trước Công nguyên, phần mộ của bà cũng bị thất lạc trong nhiều thế kỷ.

Lâu nay các chuyên gia đã rất kinh ngạc trước kích cỡ nhỏ của phòng chôn cất Tutankhamun, trong khi ông có chỗ đứng quan trọng tại lịch sử Ai Cập. Vì thế cũng hợp lý, khi Reeves đặt giả thuyết cho rằng “lăng mộ của Tutankhamun” chỉ đơn giản là một phòng chôn cất, xây thêm vào một lăng mộ đã tồn tại, từng thuộc về Nefertiti.

Phòng chôn cất Tutankhamun thực tế chỉ có cùng kích cỡ như một căn phòng nhỏ dẫn tới phòng chôn cất chính và không hề phù hợp với vị thế một vị vua Ai Cập của ông.

Reeve cũng nói rằng việc người Ai Cập cổ đại chất hàng đống đồ đạc vào 4 căn phòng nhỏ trong lăng mộ Tutankhamun là điều gây kinh ngạc. Ông tin rằng một số món cho thấy Nefertiti đã đóng vai trò người dẫn dắt vị vua nhỏ tuổi.

Ông cũng tin rằng lối vào phòng chôn cất Nefertiti sẽ được trang trí với đầy hình ảnh có ý nghĩa tôn giáo, nhằm bảo vệ căn phòng này. 
“Chỉ có một nữ thành viên hoàng gia thuộc Vương triều thứ 18 ở Ai Cập được hưởng những đặc quyền như thế và đó là Nefertiti” – Reeves nói.

Nếu giả thuyết của Reeves là chính xác, nó sẽ giải quyết nhiều kỳ quặc vẫn tồn tại lâu nay quanh phòng chôn cất Tutankhamun. Ví dụ như các món đồ được đặt trong lăng mộ này một cách rất vội vã và đều đã qua sử dụng.

Nefertiti, cái tên có nghĩa “người đẹp đẽ đã tới,” là Nữ hoàng Ai Cập, vợ của Pharaoh Akhenaten trong thế kỷ 14 trước Công nguyên. Bà và chồng đã thờ thần Mặt trời Aten và cổ súy việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới ở Ai Cập, trông khác biệt hẳn so với những tác phẩm trước đây.

Nhưng bên cạnh giả thuyết cho rằng phòng mai táng bí mật chứa di hài Nerfetiti, đã có hướng thông tin khác nói người nằm trong căn phòng đó là Pharaoh Smenkhkare hoặc Nữ hoàng Meritation, chị ruột hoặc chị cùng cha khác mẹ của Tutankhamun.

Cũng có thể đằng sau các bức tường của lăng mộ chẳng có thứ gì cả.

Nhưng Joyce Tyldesley, giảng viên cao cấp tại khoa Ai Cập học ở Đại học Manchester, cho tờ The Times biết rằng giả thuyết của ông Reeves có thể là đúng. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người ta phát hiện ra rằng lăng mộ đó vẫn còn những căn phòng bị giấu kín,” ông nói. “Nhưng sẽ rất đáng kinh ngạc nếu lăng mộ được xây dựng với mục đích ban đầu là trở thành nơi chôn cất Nefertiti. Với tôi, có khả năng bà đã qua đời khi chồng còn nắm quyền nên đã được chôn cất tại Amarna.”

Khám phá chấn động về lăng mộ của Hoàng đế Ai Cập Tutankhamun ảnh 3Xác ướp được cho là mẹ của Vua Tutankhamun (Nguồn: DM)

Phòng chôn cất Tutankhamun, được phát hiện vào năm 1922 sau khi các nhà khảo cổ dành ra 15 năm tìm kiếm. Khai quật căn phòng đã 3.000 năm tuổi này, người ta tìm thấy 5.000 cổ vật khác nhau, gồm quan tài của vị pharaoh trẻ, chiếc mặt nạ vàng và các xác ướp của những thai nhi sinh non.

Cái chết của ông đã chấm dứt vương triều Thutmosid và dẫn tới tình trạng lục đục ở Ai Cập. Nhân vật kế nhiệm Tutankhamun là cố vấn Ay, người đã kết hôn với vợ góa của ông. Dưới sự cai trị của Ay, Ai Cập đã đại bại trong cuộc chiến với Hittites.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.