Shibori là một trong những kỹ thuật nhuộm hoa văn được ưa chuộng trong ngành công nghiệp thời trang thế giới. Với những họa tiết mang tính ảo giác, shibori được đánh giá là họa tiết giản dị song có tính sáng tạo và có độ ứng dụng cao, phù hợp cho nhiều loại hình nghệ thuật trang trí.
Shibori là kỹ thuật nhuộm của Nhật Bản, Đây là một kỹ thuật độc đáo, tạo hoa văn dựa trên các kiểu buộc, thắt, vắt hoặc xoắn vải sau đó nhúng vải vào trong thuốc nhuộm.
Theo các tài liệu, kỹ thuật shibori này có thể du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8.Vào năm 1608, nghệ nhân Takeda Shokuro và một số người tiên phong khác đã khởi xướng kỹ thuật nhuộm shibori tại Arimatsu. Lịch sử thành công của Shibori tại Arimatsu bắt đầu khi Tướng quân Tokugawa Ieyasu, người đứng đầu Mạc phủ, quyết định phát triển shibori tại Arimatsu thành một nghề thủ công đặc sắc của địa phương và trao cho nghệ nhân Takeda Shokuro trọng trách này.
Để hoàn thành một tấm vải shibori cần ít nhất ba nghệ nhân thực hiện, gồm người tạo hình hoa văn trên giấy mẫu, người tiến hành công đoạn thắt nút và nghệ nhân nhuộm vải.
Công đoạn đầu tiên là tạo mẫu hoa văn trên giấy. Nghệ nhân sẽ đục những ô tròn nhỏ, đều đặn trên giấy mẫu. Sau đó, tấm giấy được đặt trên mặt vải để bôi màu nhằm xác định các vị trí trên vải để thắt nút, buộc hoặc xoắn. Tùy thuộc vào các kiểu thắt nút của nghệ nhân, thuốc nhuộm sẽ lên màu đậm nhạt khác nhau trên tấm vải để tạo ra những hoa văn độc đáo. Loại nút thắt phổ biến mà các nghệ nhân tại Arimatsu thực hiện là dùng kim nối các chấm trên vải thành một và thắt chặt lại bằng chỉ. Số chấm và đường nối giữa các chấm được chọn tùy theo sự sáng tạo họa tiết của các nghệ nhân.
Bên cạnh đó, không chỉ có nhiệm vụ tạo hình hoa văn, tùy thuộc vào kiểu nút thắt mà các nghệ nhân có thể làm thay đổi kết cấu vải. Ví dụ, các nút thắt sau khi được gỡ ra sẽ tạo độ co dãn đồng đều trên bề mặt vải, biến một tấm vải phẳng trở thành một tấm vải xốp. Sự co dãn còn làm tăng độ sâu và tính ảo giác của các họa tiết shibori. Các loại vải shibori thường là các loại vải có có độ bền để không bị rách khi được thắt nút, buộc hoặc xoắn. Để tạo được một tấm vải shibori đẹp và có độ co dãn đều, các nghệ nhân cẩn phải chắc tay khi thắt nút.
Màu nhuộm shibori có xuất xứ từ các loại thực vật đặc biệt nhằm đảm bảo độ bền màu cũng như không làm hỏng vải. Màu nhuộm phổ biến truyền thống của shibori trước đây là màu xanh dương và trắng. Tuy nhiên, giờ đây, màu sắc của họa tiết shibori vô cùng phong phú.
Trong quá trình làm một tấm vải shibori, công đoạn thắt nút được đánh giá là công đoạn đòi hỏi nhiều thời gian và kinh nghiệm. Tại cửa hàng shibori nổi tiếng nhất ở Arimatsu, có hai nghệ nhân nổi tiếng đã cống hiến cả cuộc đời cho việc tạo ra những tấm vải shibori là cụ Suzue Nakashima (97 tuổi) và cụ Sumie Fujiwara (78 tuổi).
Cụ Suzue Nakashima, cho biết cụ bắt đầu làm quen với công việc tạo họa tiết shibori từ khi mới 7 tuổi. Gần 90 năm sống với nghề, với đôi tay nhanh nhẹn và đôi mắt vẫn tinh tường, cụ vẫn thoăn thoắt xoắn chỉ và thắt nút một cách chắc chắn. Đối với cụ, shibori không chỉ đơn thuần là một công việc mà đó là tinh thần, nét đẹp của nền văn hóa Nhật Bản.
Ngày nay, Shibori đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới. Kỹ thuật nhuộm shibori ngày càng phát triển với nhiều loại họa tiết, không chỉ được ứng dụng trong nhuộm vải mà còn phổ biến trong nhiều loại hình nghệ thuật trang trí khác như trang trí nội thất.
Để tôn vinh nghề truyền thống, hàng năm, lễ hội Shibori sẽ diễn ra tại Arimatsu, nơi được coi là trung tâm, là quê hương của kỹ thuật nhuộm độc đáo này. Chính vì vậy, đến hẹn lại lên, cứ mỗi tháng 6 hàng năm, thị trấn nhỏ bé, cổ kính và yên bình Arimatsu tại tỉnh Aichi lại trở nên nhộn nhịp, đón chào những người yêu thích Shibori trên khắp Nhật Bản cũng như thế giới./.