Khám phá những góc khuất trong bi kịch của Đông Dương thuộc Pháp

Cuốn sách của hai giáo sư người Pháp là Pierre Brocheux và Daniel Hémery mang đến cái nhìn tổng quan về tiến trình lịch sử Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng giai đoạn 1858-1954.
Khám phá những góc khuất trong bi kịch của Đông Dương thuộc Pháp ảnh 1Tác phẩm đưa ra những kiến giải mới mẻ và đặt nghi vấn lịch sử về một khu vực văn minh vốn có tầm quan trọng không thể đo đếm trong vận mệnh của thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sự biến đổi văn hóa trên bán đảo Đông Dương, cuộc kháng chiến của Việt Nam và hệ thống trường học Pháp tại Việt Nam là một số nội dung được đề cập trong cuốn sách mới “Đông Dương: Một nền thuộc địa nhập nhằng giai đoạn 1858-1954.”

Cuốn sách của hai giáo sư Pierre Brocheux và Daniel Hémery mang đến cái nhìn tổng quan về tiến trình lịch sử Đông Dương từ khi được người Pháp tạo lập ở nửa sau thế kỷ XIX cho tới cuộc khủng hoảng cuối cùng trong những năm 1945-1954.

Tác phẩm đưa ra những kiến giải mới mẻ và đặt nghi vấn lịch sử về một khu vực văn minh vốn có tầm quan trọng không thể đo đếm trong vận mệnh của thế giới.

[Bộ sách Pháp thay đổi định kiến về quyền riêng tư của mỗi người]

Về bố cục, cuốn sách được chia thành 8 chương. Trong đó, Daniel Hémery viết ba chương đầu, tập trung nghiên cứu sự hình thành hệ thống thuộc địa trước khi Paul Doumer sang Đông Dương nhậm chức Toàn quyền (1897-1902). Tác giả cũng nêu bật được những thiết chế chính trị, hành chính của cấu trúc bộ máy cai trị và công cuộc phát triển kinh tế của Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến thập niên 1930-1940.

Pierre Brocheux viết hai chương 4 và 5, bàn về mối quan hệ ở xã hội thuộc địa giữa tầng lớp thực dân cai trị và kẻ bị trị bản xứ, và về những biến đổi văn hóa bao gồm những sáng kiến văn hóa của người Pháp cũng như những sáng kiến đề xuất của người bản xứ.

Trong hai chương tiếp theo, Daniel Hémery phân tích những bế tắc của công cuộc phát triển thuộc địa và hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với dân chúng thuộc địa, về những cuộc nổi dậy chống chế độ thực dân, sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thập niên 1930, cùng với đó là biến động xã hội và sự khủng hoảng của chế độ thực dân.

Pierre Brocheux viết chương 8, nói qua về sự suy tàn và hồi kết của đế chế thuộc địa Pháp tại vùng Viễn Đông giai đoạn 1939-1954, và trình bày cuộc Chiến tranh Đông Dương 1945-1954 trong một diễn biến tổng thể.

Trích trang 414 trong sách có đoạn: “Muốn khai thác thuộc địa châu Á, chính là tham vọng thực hiện một ảo tưởng và rước tai họa vào thân. Các vị đã không hề nghĩ rằng những dân tộc châu Á này sánh ngang với chúng ta, rằng họ đã có cả một nền văn minh còn lâu đời hơn cả nền văn minh của chúng ta, rằng họ vẫn còn giữ được ký ức và niềm kiêu hãnh. Họ đã biết tự do là gì và họ sẽ muốn giành lại nó.”

Theo dịch giả Phạm Văn Tuân, ngày nay, nhiều khía cạnh của tình trạng Đông Dương thuộc địa vẫn còn nằm sâu trong vùng tối, như sự biến đổi của những phong tục tập quán, xung đột trong đời sống thường ngày, lịch sử của các đô thị, lịch sử của các vùng nông thôn và cả lĩnh vực kinh tế rộng lớn. Ông Tuân mong rằng cuốn sách này có thể kích thích người ta khám phá những góc khuất đó và thấu suốt bi kịch của Đông Dương thuộc Pháp.

Năm 1995, Hiệp hội các nhà văn Pháp ngữ (L'Association des écrivains de langue française, ADELF) đã trao Giải thưởng Á Châu (Prix de l'Asie) cho tác phẩm này.

Tờ báo Pháp Études nhận xét: “Pierre Brocheux và Daniel Hémery - hai tài năng không thể bàn cãi mà sự đóng góp cá nhân đã được chứng thực bằng nhiều công trình trước đó - trong tác phẩm này, đã cố gắng thâm nhập vào một cuộc phân tích từ xa, thậm chí hoàn toàn khách quan, vốn là công việc của sử gia; và có thể nói rằng họ đã thành công.”

Sách do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Omega Plus ấn hành./.

Giáo sư Pierre Brocheux sinh năm 1931 tại Sài Gòn. Cha ông là người Pháp đến lập nghiệp ở Đông Dương năm 1929, mẹ ông xuất thân trong một gia đình Việt nhập tịch Pháp. Pierre Brocheux sang Paris học tú tài, rồi theo học cử nhân và tiến sỹ ngành sử ở Đại học Sorbone, giảng dạy và nghiên cứu lịch sử Á Đông tại khoa Sử, Địa, Khoa học xã hội thuộc Đại học Paris Diderot từ đầu những năm 1970. Năm 2018, Pierre Brocheux được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải Việt Nam học.

Giáo sư Daniel Hémery sinh năm 1932, tại Arras, Pháp. Ông giảng dạy và nghiên cứu lịch sử tại khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông (LCAO) thuộc Đại học Paris Diderot cùng thời với Pierre Brocheux. Năm 2018, Daniel Hémery được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải Việt Nam học.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục