Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng và bí ẩn của Pù Mát

Vườn quốc gia Pù Mát không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng mà còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về tộc người ngủ ngồi Đan Lai thôi thúc du khách tìm đến khám phá.

Cách thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 130km về phía Tây Nam, Vườn quốc gia Pù Mát không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng mà còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về tộc người ngủ ngồi Đan Lai thôi thúc du khách tìm đến khám phá.

Ngược dòng sông Giăng

Từ bến thuyền bên đập thủy lợi Phà Lài thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) chúng tôi ngược dòng sông Giăng, bắt đầu chuyến hành trình khám phá cuộc sống hoang dã của tộc người Đan Lai và đi tìm lời giải cho câu chuyện huyền thoại về tộc người ngủ ngồi giữa đại ngàn Pù Mát.

Người dân Đan Lai ở bản Búng sống giữa một thung lũng ở thượng nguồn sông Giăng, giáp biên giới Việt-Lào. Người Đan Lai có tục ngủ ngồi. Họ đốt lửa ở bếp để sưởi ấm, ngồi tựa trán vào đầu cây gậy mà ngủ.

Ông La Văn Phòng (74 tuổi), người cao tuổi nhất của bản Búng giải thích, tục ngủ ngồi xuất phát từ việc trước kia người Đan Lai thường xuyên phải chạy loạn, đối mặt với thú dữ và một phần vì cuộc sống thiếu thốn nơi rừng thiêng nước độc.

Người Đan Lai ở bản Búng vẫn duy trì một số phong tục cổ xưa như lễ cúng tổ tiên vào ngày lễ, Tết, đầu tháng và ngày rằm (15 âm lịch hàng tháng), tục ăn trầu, tục lệ cưới hỏi. Trong bản có người làm thầy mo, họ tổ chức lễ cúng cho các gia đình có nhu cầu.

Hiện nay, Vườn quốc gia Pù Mát đã mở tuyến du lịch khám phá thác ghềnh sông Giăng từ xã Môn Sơn đến hai bản Cò Phạt và bản Búng của người Đan Lai. Trong hai giờ du thuyến trên sông du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác thích thú khi khám phá vẻ đẹp của núi rừng Pù Mát.
Bản Búng nằm ở thượng nguồn sông Giăng, thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Đây là bản xa nhất so với trung tâm huyện Con Cuông có người Đan Lai sinh sống.
Trước kia sông Giăng là con đường thủy duy nhất kết nối người Đan Lai ở bản Búng, bản Cò Phạt với người Thái, người Mường trong vùng huyện Con Cuông.
Bản Búng có 109 hộ với hơn 400 nhân khẩu sinh sống trong những ngôi nhà sàn mái lá đơn sơ. Tộc người Đan Lai nổi tiếng với tục ngủ ngồi.
Những đứa trẻ dân tộc Thái ở bản Xiềng (xã Môn Sơn) gắn liền với con sông Giăng và đập Phà Lài.
Sông Giăng có chiều dài hơn 100 km, chảy quanh các cánh rừng nguyên sinh Pù Mát. Từ trên cao nhìn xuống, con sông như giải lụa bao quanh các ngọn núi.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người Đan Lai, Vườn quốc gia Pù Mát và chính quyền địa phương đang triển khai dự án du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp sông Giăng, núi rừng Pù Mát và cuộc sống của người Đan Lai. Từ xã Môn Sơn du khách có thể đi thuyền khám phá sông Giăng, tắm suối tại các bãi tắm hoang sơ giữa núi rừng, lên bến Cò Phạt tìm hiểu về tộc người Đan Lai rồi trở về trong ngày.

Ngoài ra, du khách có thể khám phá núi rừng Pù Mát bằng xe máy. Đây là cung đường mới được khai thác sau khi tuyến cầu treo bắc qua sông Giăng được hoàn thiện. Từ cầu treo Phà Lài du khách đi thẳng theo con đường mòn độc đạo đi qua các sườn núi lên đến tận bản Cò Phạt, bản Búng. Với tuyến đi này du khách được ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, nhìn toàn cảnh sông Giăng như dải lụa mềm vắt qua các ngọn núi, được ăn trưa ngay giữa lưng trời Pù Mát sương giăng mờ ảo.

[[Photo] Thăm Khu di tích lịch sử Mường Phăng giữa rừng nguyên sinh]

Dự kiến cuối năm nay, Vườn quốc gia Pù Mát sẽ tổ chức tour khám phá sông Giăng bằng thuyền phao thả trôi từ thượng nguồn xuống bến thuyền ở đập thủy lợi Phà Lài. Tuyến du lịch này hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm khó quên.

Tạm biệt bản Búng khi còn nhiều điều bí ẩn về tộc người Đan Lai chưa được khám phá hết, chúng tôi trở lại với chuyến khám du ngoạn Pù Mát với nhiều điều thú vị đang chờ đợi ở phía trước.

"Kho báu" miền Tây xứ Nghệ

Vườn quốc gia Pù Mát nổi tiếng không chỉ ở sự phong phú, đa dạng của các loài thực, động vật hoang dã, quý hiếm, mà còn địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trụ sở chính của Vườn được đặt tại xã Chi Khê, cách thị trấn Con Cuông khoảng 2km. Tại đây có hai điểm đến thú vị mà du khách không thể không ghé qua, đó là bảo tàng động, thực vật Pù Mát và trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

Từ trụ sở Vường quốc gia Pù Mát, du khách theo con đường nhựa đi về phía Tây khoảng 18km sẽ đến thác Khe Kèm - một thắng cảnh nổi tiếng. Thác Khe Kèm theo tiếng Thái gọi là Tạng Nặm Kẹm Toong Chinh, có độ cao 150m, quanh năm nước chảy, tung bọt trắng xóa. Dưới ánh nắng vàng của buổi chiều tà, dòng thác Kèm trở nên lung linh huyền ảo.

Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng, mà còn được hòa mình vào dòng thác tuôn chảy và được những bầy cá nhỏ mát xa chân - một trải nghiệm thú vị chỉ có ở thác Khe Kèm.

Khu rừng săng lẻ cổ thụ có diện tích hơn 70ha, thuộc Vườn quốc gia Pù Mát. Thời điểm thích hợp để khám phá vẻ đẹp cánh rừng săng lẻ thường vào mùa Hè và mùa Thu.
Hai nữ du khách Pháp biết đến Vườn quốc gia Pù Mát qua internet và họ tự lên kế hoạch sang Việt Nam để khám phá vẻ đẹp núi rừng nơi đây.
Thác Khe Kèm là điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi đến thăm Pù Mát. Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Con Cuông, trong năm 2016 có hơn 45.000 lượt du khách trong và ngoài nước đã ghé thăm nơi đây.
Bia Ma Nhai (tên đầy đủ: Ma Nhai kỷ công bia văn) được khắc trực tiếp trên núi đá Thành Nam, xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An), ghi dấu chiến thắng quân Ai Lao của Thái thượng hoàng Trần Minh Tông (1300-1357). Văn bia này do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) soạn thảo và cho khắc vào mùa Đông năm Ất Hợi (1335). Trải qua hơn bảy thế kỷ, những nét khắc trên núi đá vẫn trường tồn với thời gian.
Du khách thích thú ghi lại hình ảnh nhũ đá có hình thù độc đáo bên cạnh bia Ma Nhai.
Rừng nguyên sinh Pù Mát có hệ thực vật đa dạng, phong phú với gần 2.500 loài, thuộc 160 họ, trong đó có nhiều loài đặc hữu.
Du khách đến thăm bản Xiềng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) khám phá nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Thái.
Du khách Brian Bean (Mỹ) thích thú tìm mua những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Thái ở bản Xiềng.
Những cô gái Thái ở bản Rạn (thị trấn Con Cuông) biểu diễn những điệu múa truyền thống phục vu du khách.
Món tôm khe hấp là một trong những đặc sản nổi tiếng của sông Giăng.
Món canh cá Mát sông Giăng ngon nổi tiếng ở vùng Con Cuông.

Trong chuyến hành trình khám phá Pù Mát, du khách sẽ được trải nghiệm bản sắc văn hóa và ẩm thực độc đáo của dân tộc Thái (chiếm hơn 66% dân số huyện Con Cuông). Những cô gái Thái không chỉ xinh đẹp, thông minh, tế nhị trong giao tiếp, mà còn rất khéo trong việc bếp núc. Những món ăn truyền thống qua bàn tay chế biến của họ trở nên đẹp mắt và hấp dẫn lạ thường. Ngoài cơm lam, canh cá mát, tôm khe, du khách nên thưởng thức những món ăn “độc” và lạ của người Thái, như chả nhái, chả ếch rừng, cua đá hấp xả.

Đường lên Pù Mát bây giờ khá thuận tiện, du khách có thể cùng gia đình tận hưởng những ngày nghỉ cuối tuần thú vị tại các homestay ở bản Nưa, bản Rạn trong cảm giác lâng lâng hương vị núi rừng./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục