Khánh thành Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 tại Hà Nội

Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 với quy mô 500 giường tại quận Hoàng Mai, Hà Nội sẽ là nơi tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch.
Bên trong khu tiếp đón cấp cứu của Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 31/8, Bộ Y tế đã tổ chức khánh thành Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 với quy mô 500 giường tại quận Hoàng Mai, Hà Nội (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Bệnh viện với vai trò là một trung tâm hồi sức tích cực quốc gia sẽ là nơi tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế trong khu vực.

Bệnh viện được chia thành ba khu: ngôi nhà màu xanh là khu hành chính của bệnh viện, bảo đảm không nhiễm khuẩn; nhà màu vàng là khu dinh dưỡng-nghỉ ngơi-xét nghiệm, test định kỳ-kho vật tư thiết bị y tế; nhà màu đỏ dành cho bệnh nhân nặng điều trị ICU (hồi sức tích cực).

Ngoài ra, còn có khu đệm gồm 69 nhà tắm khử khuẩn với nhiều không gian xanh.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 hiện tiếp tục gia tăng nhanh chóng trên thế giới và trong khu vực.

Trong nước, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân, từ ngày 19/7 đến nay đã ghi nhận hơn 400.000 ca mắc COVID-19.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế đã có những biện pháp quyết liệt triển khai trên mọi mặt trận, từ phòng bệnh, xét nghiệm phát hiện đến các biện pháp cách ly, điều trị kịp thời, phù hợp.

[Hà Nội gấp rút hoàn thiện bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19]

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 để thiết lập 12 Trung tâm Hồi sức tích cực trên toàn quốc.

“Mục tiêu thành lập những trung tâm này là nâng cao năng lực điều trị COVID-19, nhất là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tối đa số ca tử vong," Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết trong một tháng qua, các bệnh viện tuyến trung ương cùng lực lượng tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã đưa vào hoạt động 6 trung tâm hồi sức tích cực có quy mô lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm hồi sức tích cực khác tại các điểm nóng: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ các trung tâm sồi sức đều đã có những tín hiệu tích cực khi hàng nghìn bệnh nhân đã hồi phục và chuyển nhẹ. Hiện nay, các đơn vị này đang tiếp tục chuẩn bị phương án mở rộng công suất giường trong trường hợp cần thiết, đồng thời giúp đỡ các bệnh viện ở tầng dưới đào tạo và thực hành điều trị để hạn chế số ca trở nặng, giảm áp lực cho tuyến trên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị ngoài việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện cho bệnh viện dã chiến này, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ở cơ sở chính (phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa) cũng cần cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế toàn diện, bình đẳng, nhanh chóng, nghĩa là không chỉ tập trung cho bệnh nhân COVID-19 mà cần đảm bảo khám, chữa các bệnh thông thường khác.

Tại buổi lễ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là không có người bệnh nặng nào phải vào điều trị. Tuy nhiên, nếu có bệnh nhân, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực chăm sóc người bệnh, đặt mục tiêu sức khỏe người bệnh là quan trọng nhất”./.

Sau hơn một tháng 'thần tốc' xây dựng, bệnh viện dã chiến tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã dần hoàn thiện để đưa vào sử dụng, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhìn từ trên cao, bệnh viện được chia thành 3 khu: Màu xanh là khu hành chính; khu nhà màu vàng là dinh dưỡng-nghỉ ngơi-xét nghiệm, test định kỳ-kho vật tư thiết bị y tế; khu đỏ dành cho bệnh nhân nặng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bắt đầu được khởi công xây dựng từ ngày 24/7, Bệnh viện dã chiến tại quận Hoàng Mai quy mô 3,5ha do Bệnh viện Đại học Y làm chủ đầu tư. Nơi đây sẽ được dùng để điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trước sản khu hành chính, cũng là 'đầu não' chỉ huy mọi hoạt động của bệnh viện dã chiến này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đến nay toàn bộ 19 đơn nguyên bệnh viện đã sẵn sàng để lắp đặt trang thiết bị y tế, dự kiến cuối tháng 8/2021 sẽ đi vào hoạt động 100 giường bệnh đầu tiên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bệnh viện dã chiến Hoàng Mai cũng nằm biệt lập với khu dân cư, đảm bảo an toàn về y tế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch với quy mô 500 giường nằm tại ngõ 587 Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tháp cung cấp ôxy có dung tích 15 khối đảm bảo cung cấp ôxy cho toàn bộ bệnh nhân tại bệnh viện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phòng chứa khí nén đang trong giai đoạn hoàn thiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo kế hoạch được đề ra, dự kiến đến cuối tháng 8/2021 bệnh viện dã chiến sẽ hoàn thiện với quy mô từ 500-700 giường bệnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Để bảo đảm tiến độ, hằng ngày có hàng trăm công nhân làm việc 24/24 giờ để công trình hoàn thành đúng tiến độ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều hạng mục thi công đang được gấp rút thi công, chạy đua với thời gian. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây sẽ là bệnh viện được xây dựng từ đầu theo tiêu chuẩn điều trị ICU, khu dinh dưỡng, xét nghiệm, điều trị riêng biệt nhằm đảm bảo vô trùng, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các cán bộ kỹ thuật của Viettel đang lắp đặt các máy chủ tại khu nhà hành chính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phòng họp bên trong khu nhà hành chính của bệnh viện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các máy xét nghiệm đã sẵn sàng đi vào hoạt động. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi hoàn thành, bệnh viện sẽ là khu dự phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng không chỉ của thành phố Hà Nội mà cho các tỉnh lân cận. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công trình đã được lắp đặt tương đối đầy đủ trang thiết bị như: Hệ thống vách ngăn chia buồng bệnh, hệ thống cung cấp ôxy, camera theo dõi và nhiều loại máy móc hiện đại phục công tác điều trị cho bệnh nhân nặng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bệnh viện dự kiến huy động khoảng 1.000 nhân viên y tế gồm 272 bác sỹ và 680 điều dưỡng để phục vụ các bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các giường bệnh tiêu chuẩn đã được lắp đặt, đảm bảo các yêu cầu khắt khe theo quy định. Đặc biệt, thiết kế bệnh viện bảo đảm yêu cầu cao nhất là tránh lây nhiễm, không khí chỉ được lưu thông theo một chiều. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi khu điều trị bệnh nhân đều được lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị y tế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hiện bệnh viện đang trong quá trình hoàn tất, lắp đặt các giường điều trị tích cực đúng tiêu chuẩn, cùng hệ thống chẩn đoán hình ảnh như hệ thống CT, siêu âm, XQ, để đưa vào sử dụng trong giai đoạn đầu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các máy thở được cung cấp đầy đủ cho mỗi giường bệnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngoài ra, bệnh viện còn có khu đệm gồm 69 nhà tắm khử khuẩn và nhiều không gian xanh. Những người ra vào khu điều trị cũng phải qua các bước khử khuẩn đúng quy định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tất cả các phòng bệnh đều lắp hệ thống camera để kịp thời theo dõi diễn biến của bệnh nhân. Bệnh viện sẽ được điều hành, theo dõi và hội chẩn qua hệ thống Telehealth. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dự án này sẽ được bàn giao lại cho Bệnh viện Đại học y điều hành từ đầu tháng 9/2021. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi đi vào hoạt động, bệnh viện Đại học y sẽ phối hợp với bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục