Khánh thành Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” tại Hà Nội

Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” nhằm mục đích tôn vinh sự hy sinh, cống hiến của lực lượng công an trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội-vì bình yên của nhân dân.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tượng đài "Công an nhân dân vì dân phục vụ." (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ khánh thành tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2022).

Các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, nhóm tác giả sáng tác và Hội đồng nghệ thuật công trình tượng đài cùng đông đảo cán bộ chiến sỹ Công an, nhân dân Thủ đô Hà Nội... đã dự lễ khánh thành.

Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân của Bộ Công an cho biết Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” với mục đích tôn vinh sự hy sinh, cống hiến của lực lượng công an nhân dân nói chung, lực lượng cảnh sát nhân dân nói riêng trong sự nghiệp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội-vì bình yên cuộc sống của nhân dân.

Đây là công trình văn hóa mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nâng cao ý thức cho nhân dân luôn chấp hành tốt các quy định về bảo đảm an ninh trật tự, nhất là an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các đơn vị chức năng của thành phố tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bộ Công an duy tu và phát huy xứng tầm với giá trị của công trình.

[Xây dựng lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới]

Công an các đơn vị, địa phương, nhất là Công an thành phố Hà Nội chủ động tham mưu, triển khai các hoạt động nhằm tạo điều kiện để cán bộ chiến sỹ, nhân dân được thăm quan, qua đó tôn vinh và phát huy ý nghĩa, giá trị của tượng đài, góp phần lan tỏa hình ảnh người chiến sỹ công an nhân dân vì nhân dân phục vụ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” là sự ghi nhận, tôn vinh hình tượng cao đẹp, đóng góp to lớn của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cảnh sát giao thông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân Thủ đô về truyền thống cách mạng của lực lượng Công an nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng Công an nhân dân với các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đối với thành phố Hà Nội, tượng đài không chỉ là công trình có ý nghĩa biểu tượng, mang giá trị nhân văn sâu sắc của lực lượng Công an nhân dân mà còn là công trình văn hóa kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu góp phần nâng tầm giá trị cảnh quan đô thị và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Thủ đô.

Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” có chiều cao 7,2m, bao gồm 7 nhân vật, chất liệu ép đồng công nghệ cao. Công trình mang tính biểu tượng, khái quát cao, trang nghiêm, mang ý nghĩa chính trị, lịch sử truyền thống, có giá trị nghệ thuật.

Đây là tác phẩm điêu khắc thể hiện hình tượng chiến sỹ cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; là biểu tượng của sự dũng cảm, hy sinh vượt qua khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến chống “giặc lửa,” bảo vệ tài sản của nhân dân.

Tại Hà Nội, tượng đài được đặt trên trục phố Trần Nhân Tông vừa đảm bảo tính trang trọng, trang nghiêm vừa gần gũi với người dân thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa của cán bộ, chiến sỹ công an.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tượng đài được đặt tại Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, dự kiến được khánh thành vào năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ có 6 điều dạy Công an nhân dân./.

Sáng 17/7, tại phố Trần Nhân Tông (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Bộ Công an đã tổ chức Lễ khánh thành tượng đài 'Công an nhân dân vì dân phục vụ.' (Ảnh: PV/Vietnam+)
Công trình tượng đài Cảnh sát giao thông và phòng cháy chữa cháy do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng với mục đích tôn vinh sự hy sinh vất vả, cống hiến của lực lượng công an nhân dân nói chung, lực lượng cảnh sát nhân dân nói riêng trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy - Phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính Trị, Bộ Công an cho biết, công trình tượng đài mang tính biểu tượng, khái quát cao, trang nghiêm, mang ý nghĩa chính trị, lịch sử truyền thống, có giá trị nghệ thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây là tác phẩm điêu khắc thể hiện hình tượng chiến sĩ cảnh sát giao thông, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; là biểu tượng của sự dũng cảm, hy sinh vượt qua khó khăn, gian khổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tượng đài được đặt trên trục phố Trần Nhân Tông vừa đảm bảo tính trang trọng, trang nghiêm vừa gần gũi với người dân thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hoá của cán bộ, chiến sĩ công an. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sau hơn 1 năm nỗ lực triển khai, công trình tượng đài 'Công an nhân dân vì dân phục vụ; tại Hà Nội đã được hoàn thiện, thông qua nghiệm thu và chính thức đưa vào sử dụng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại Hà Nội, tượng đài nằm sát tường rào Công viên Thống Nhất trên đường Trần Nhân Tông (đoạn từ cổng công viên đến đường Quang Trung), quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tượng đài gồm 7 nhân vật, cao khoảng 7,2m. Chất liệu là ép đồng công nghệ mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cận cảnh hình tượng người lính phòng cháy chữa cháy bế em nhỏ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chia sẻ về công trình tượng đài này, các nhà khoa học, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc trong Hội đồng nghệ thuật đều đánh giá rất cao cả về nội dung và hình thức thể hiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục