Ngày 8/2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt và quyết liệt, nhất quán thực hiện đa mục tiêu trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, từ những kinh nghiệm đã có, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã đề ra theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và các chỉ thị, công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
[Đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022]
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, phải bắt tay ngay vào công việc để thúc đẩy mạnh mẽ và từng bước nhanh chóng mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế-xã hội, tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2022.
Hai năm qua, đặc biệt là năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên diện rộng với biến chủng mới, mạnh, nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn, đã thâm nhập sâu vào nhiều địa phương và tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế-xã hội của đất nước. Nhiều doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực, khi mọi hoạt động gần như "đóng băng."
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 dự báo thời gian tới còn diễn biến phức tạp, khó lường và biến động của tình hình quốc tế, khu vực, đất nước ta sẽ tiếp tục phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong khi nguồn lực còn hạn chế, sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp đã bị giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài hai năm qua.
Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Gần 4 tháng qua, khi trạng thái phòng, chống dịch "thích ứng an toàn, linh hoạt" được "kích hoạt," đã và đang tạo tâm lý và khí thế mới cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì việc bắt tay ngay vào công việc từ những ngày đầu Xuân sẽ tạo đà tốt hơn cho việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Sự sốt ruột của Lãnh đạo Chính phủ đã hiển hiện, thôi thúc mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhanh chóng trở lại với nhịp độ công việc thường ngày ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Từ mùng Ba Tết, khi hương vị Tết còn ấm nồng trong mỗi gia đình, người đứng đầu Chính phủ đã triệu tập cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
"Vui Xuân mới, không quên nhiệm vụ mới," thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán và quý 1/2022, là yêu cầu được Thủ tướng đưa ra với các cấp, các ngành.
Ngay sau cuộc họp, liên tục trong các ngày 4,5,6/2, Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác đã thực hiện chuyến công tác "xuyên Tết, xuyên Việt" - kiểm tra công tác thi công và họp kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; kiểm tra hiện trường, đôn đốc, động viên công nhân thi công dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Ngày 7/2 - ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tại buổi gặp mặt đầu Xuân và triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị cán bộ, nhân viên Văn phòng bắt tay ngay vào công việc sau kỳ nghỉ Tết, "không để tháng Giêng là tháng ăn chơi."
Thực tế, không phải vì Tết mà mọi việc bê trễ, không phải cho đến lúc Chỉ thị 01 được ban hành, công việc mới được nhúc nhích.
Chín ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều gia đình được nghỉ ngơi, hưởng niềm vui sum họp, nhưng trên khắp cả nước, hàng ngàn chiến sỹ áo trắng vẫn nỗ lực từng giây, từng phút để giành sự sống cho người bệnh và họ không có khái niệm nghỉ Tết.
Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 đã được thực hiện xuyên Tết và chỉ trong 5 ngày, từ 29/1 đến 2/2, cả nước tiêm chủng được hơn 782.000 liều vaccine.
Đã lâu rồi, tư tưởng "tháng Giêng là tháng ăn chơi" hay "còn mùng là còn Tết" không còn nữa.
Mùng 5 Tết, nông dân nhiều địa phương trên cả nước hồ hởi xuống đồng sản xuất với mong muốn tạo khí thế lao động tích cực, làm động lực cho một năm sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao.
Đi qua một năm khó khăn chồng chất, ngay từ những ngày đầu Xuân, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tranh thủ lên kế hoạch, tổ chức ra quân từ sớm.
Tính đến ngày 9/2, hơn 80% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương với 478.427 lao động đã trở lại làm việc.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 6/2/2022 đến ngày 9/2, hơn 83.700 công nhân, lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đạt 98,7%.
Tại Quảng Nam, toàn bộ hơn 150.000 công nhân, viên chức và người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp lớn như Điện Nam-Điện Ngọc, Tam Thăng, Khu công nghiệp huyện Đại Lộc, Đông Quế Sơn, Duy Xuyên, Khu kinh tế mở Chu Lai… cũng đã trở lại làm việc bình thường.
Thị trường lao động, việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương sôi động trở lại với nhu cầu tuyển dụng từ 40-55.000 lao động.
Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp và người lao động đã sẵn sàng cho một năm mới với một tâm thế mới, tận dụng mọi cơ hội để bù đắp lại những khoảng "thời gian chết" do ảnh hưởng của dịch bệnh hai năm qua, bước vào giai đoạn ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nền kinh tế sẽ phục hồi và phát triển, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo khi chúng ta thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19./.