Trong sự phát triển vũ bão của thông tin, mạng xã hội và các ứng dụng truyền hình giải trí, sự cạnh tranh giữa OTT là rất mạnh mẽ. Đây là xu hướng chung không chỉ trên thế giới mà còn cả ở Việt Nam.
Mới đây, Công ty truyền thông Viettel Media của tập đoàn Viettel đã cho ra mắt miễn phí một phim chiếu rạp trên YouTube. Trong khi đó, sê-ri “Cây táo nở hoa” của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thì đã ngừng phát sóng các tập mới trên mạng xã hội này.
Đây tưởng chừng là hai xu hướng trái ngược, song thực chất đều là cách sử dụng YouTube để quảng bá cho các ứng dụng truyền hình giải trí trực tuyến (OTT) của các doanh nghiệp.
Phát phim rạp trên YouTube
Giữa tháng Sáu, phim điện ảnh 90 phút mang tên “Điên tối” của đạo diễn trẻ 26 tuổi Jack Carry On (tên thật là Trịnh Tài Việt), do Viettel Media sản xuất đã ra mắt trên YouTube. Riêng trên nền tảng này, bộ phim nhận về nhiều phản hồi tích cực với 6,1 triệu lượt xem sau một tháng ra mắt.
Vì dịch bệnh phức tạp, “Điên tối” trở thành dự án phim Việt chiếu rạp đầu tiên có hình thức công chiếu đặc biệt này. Tuy nhiên, việc phát hành online đó không phải phương án bất đắc dĩ, mà là điều đã có trong tính toán của nhà sản xuất.
Khi “Điên tối” của Jack Carry On được khởi quay đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Người đại diện của Viettel Media cho biết trước tình huống đó, đơn vị này đã tính đến nhiều phương án phát hành khác nhau, trong đó có cả phát hành online.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết ngay cả khi không có dịch bệnh thì họ vẫn sẽ cân nhắc phát hành song song giữa rạp và nền tảng số, vừa giúp tăng cường quảng bá, vừa tối ưu hóa doanh thu.
Bên cạnh đó, “Điên tối” lại là phim đầu tay của một đạo diễn trẻ, có tiếng của nói điện ảnh độc lập. Đây là hướng đi mới của Viettel Media, vừa là sự đồng hành, đầu tư cho các tài năng, tiếng nói điện ảnh trẻ, vừa mở ra lĩnh vực kinh doanh mới
Được mở chiếu miễn phí trên một nền tảng phổ biến như vậy, bộ phim phần nào xoa dịu một lượng khán giả đã lâu không có cơ hội đến rạp, song đặt ra câu hỏi về phương án thu hồi vốn.
Nhà sản xuất Viettel Media cho biết họ không đặt nặng vấn đề lợi nhuận trong đầu tư sản xuất và phát hành trực tuyến các dự án phim độc lập của người trẻ, song lại có lợi thế về phân phối nội dung số.
Trước đó, nhà sản xuất này đã cho ra mắt nhiều web drama như “Người ở bên khi tôi 16,”"Bạn học tôi là bố,”“Yêu lầm bạn thân”... Trước “Điên tối,” Viettel Media cũng đã hợp tác với Jack Carry On trong sê-ri phim học đường mang tên “Ảo tưởng tuổi 17.”
“Điên tối” đánh dấu sự đồng hành thứ hai cùng Jack và lần đầu bỏ vốn cho một phim điện ảnh của Viettel Media.
Nhà sản xuất này cho biết hiện nay họ có lợi thế từ tệp 60 triệu khách hàng và những sự hợp tác với các OTT như FPT, TV360… Chính vì vậy trong tương lai, họ sẽ tối ưu hóa doanh thu từ những nguồn nội dung số này.
Bước nhảy từ YouTube sang OTT
Ra mắt khán giả kể từ ngày 5/4, “Cây táo nở hoa” đã thu hút được nhiều khán giả nhờ dàn diễn viên tên tuổi phía Nam như Thái Hòa, Hồng Ánh, Nhã Phương… Trong suốt 3 tháng, sê-ri phim của đạo diễn Võ Thạch Thảo dành được nhiều sự quan tâm theo dõi của khán giả trên nhiều nền tảng.
Trước đây, các tập phim của loạt phim“Cây táo nở hoa” thường lên sóng cùng lúc trên kênh HTV2 (Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh), kênh YouTube Vie Channel và ứng dụng truyền hình trực tuyến VieON.
Tuy nhiên kể từ ngày 5/7, các tập phim từ 40 trở đi chỉ còn được phát sóng duy nhất và miễn phí trên ứng dụng VieON. Kênh YouTube sẽ chỉ đăng tải những trích đoạn khoảng 10 phút để tiết lộ một phần nội dung, từ đó thu hút và kéo khán giả đến các nền tảng truyền hình trực tuyến của họ.
Bên cạnh đó, theo Google, nhà sản xuất nội dung cho YouTube có thể thu lời trên nền tảng này. Cụ thể đó là nguồn thu từ quảng cáo, chi phí từ cho hội viên trả hàng tháng cho kênh hoặc trả để tin nhắn của họ được đánh dấu là đáng chú ý khi video phát trực tiếp... Người sáng tạo nội dung cũng có thể quảng cáo và thu lợi nhuận từ sản phẩm ăn theo...
Sức hút của YouTube được các chuyên gia nhận định là đến từ tính chất dễ truy cập, có sẵn lượng người sử dụng lớn. Theo Hootsite, có đến trên 80% người dùng internet tại Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh để xem nội dung video trên mạng, trong đó YouTube chiếm thị phần lớn nhất.
Trước đây, các tập phim web drama “Bố già” của nam diễn viên, MC Trấn Thành hay "Chị Mười Ba" của cặp đôi Thu Trang, Tiến Luật từng "làm mưa làm gió" trên YouTube, mỗi tập có từ vài chục triệu đến cả trăm triệu lượt xem.
Nhờ lượng người hâm mộ cố hữu và hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ mà bản điện ảnh của hai thương hiệu lần lượt thu về những thành công phòng vé ấn tượng - "Bố già" thu 400 tỷ đồng tại Việt Nam, hơn 1 triệu USD tại Mỹ, "Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử" thu 108 tỷ đồng.
Cuộc chơi OTT tại Việt Nam được nhận xét là đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp, đài truyền hình tại Việt Nam đã có ứng dụng OTT riêng như VTVGo (Đài truyền hình Việt Nam), VieON (Đài truyền hình Hồ Chí Minh), Galaxy Play (Thiên Ngân), FPT Play (FPT), K+, Clip TV…
Giống như nhiều OTT quốc tế, hiện nay, nhiều OTT Việt đã, đang và sẽ có kế hoạch sản xuất các sê-ri phim riêng để độc quyền phát hành. Nổi bật trong đó có Galaxy Play khi không chỉ độc quyền phát hành một số phim chiếu rạp Việt Nam như “Bố già,”“Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử,” loạt phim “Gái già lắm chiêu”... hay những sê-ri gốc như “Chị mẹ học yêu,”“Trong màn đêm không chớp mắt”.../.