Làn sóng COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, khiến cho các hoạt động điện ảnh tiếp tục đóng băng, thậm chí có nguy cơ kéo dài hơn cả các đợt dịch trước. Đầu tháng Sáu, cả bốn doanh nghiệp điện ảnh lớn gồm CGV, Lotte, BHD và Galaxy đều phải ký tên vào văn bản đề nghị được Thủ tướng hỗ trợ để tránh khỏi tình trạng phá sản.
Không chỉ tại Việt Nam, dịch bệnh cũng đã thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp phát hành phim, khi nhiều nhà sản xuất buộc phải đưa sản phẩm điện ảnh lên các nền tảng trực tuyến nhằm cắt lỗ. Điều tương tự cũng xảy ra đối với thị trường phim vốn thiếu sức đề kháng như Việt Nam.
“Rạp phim sẽ vắng khách?”
Đây không chỉ là câu hỏi được đặt ra tại các thị trường nhỏ, mà còn tại chính kinh đô điện ảnh Hollywood. Bối cảnh dịch bệnh mang đến nhiều sự thay đổi, một hãng lớn như Warner Bros. cũng phải quyết định dùng cả năm 2021 để thử nghiệm phương thức mới: Phát hành song song cả ngoài rạp lẫn trực tuyến, đe dọa doanh thu của các rạp chiếu.
Chia sẻ trong một buổi phát thanh cuối tháng Hai trên kênh YouTube The Realignment, nhà báo Ben Fritz của tờ The Wall Street Journal cho rằng vấn đề thực ra không nằm ở việc rạp phim có “chết” hay không, mà nằm ở sự biến động của khán giả.
“Chắc chắn những nhà làm phim của Hollywood rất lo lắng khi rạp mở cửa trở lại. Họ không biết khán giả sẽ ra rạp thường xuyên ra sao, đặc biệt khi nhiều người đã lâu không ra rạp và có nhiều phim lớn đang chờ. Vấn đề không nằm ở việc có ai đến rạp chiếu không, mà là lượng khán giả trung bình sẽ giảm ra sao,” Fritz chia sẻ.
Ben Fritz là tác giả cuốn “Bức tranh toàn cảnh: Cuộc chiến vì tương lai nền điện ảnh” (2018), một tác phẩm thu hút những ai quan tâm hoặc làm trong ngành công nghiệp này trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông tiếp tục lý giải: “Vào những năm 40, khán giả Mỹ đi xem trung bình cả tá phim mỗi năm. Hai năm trước, con số đó giảm còn 5. Nếu sau đại dịch, họ chỉ đi xem 3 phim thì sao? Đó sẽ là một cú giáng mạnh vào ngành chiếu phim truyền thống,” Fritz nhận xét.
Tuy nhiên tại Việt Nam, số phận của các rạp phim được đảm bảo và an tâm hơn. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CGV cho rằng trong tương lai gần, thói quen ra rạp của khán giả Việt sẽ không có gì thay đổi.
“Trong khi Mỹ có thị trường điện ảnh đã trưởng thành thì thị trường Việt Nam chỉ mới đang phát triển. So với số phim trung bình một người Mỹ xem mỗi năm, con số này ở người Việt chỉ đạt mức 0,6 phim - thấp hơn nhiều nước khác. Tôi nghĩ con số này có tiềm năng tăng lên bởi ngay trong khu vực, những nước như Malaysia đã đạt con số 2 phim/năm.”
Ông Hoàng Hải cũng nhận định rằng khán giả Việt chưa có nhiều ứng dụng trực tuyến, thói quen xem phim cũng chưa "rầm rộ" như Mỹ. Nhóm đối tượng đến rạp lớn nhất chủ yếu là người trẻ dưới 35 tuổi, đến rạp chiếu không chỉ để xem phim mà còn để đi chơi, gặp gỡ bạn bè.
Phim bộ sẽ đối đầu phim rạp
Nói về thời kỳ hậu dịch bệnh, có ý kiến cho rằng chỉ phim “bom tấn” với nhiều kỹ xảo, cảnh phim hoành tráng, bắt mắt mới phù hợp và xứng đáng để đón xem tại rạp. Ngược lại những bộ phim có kinh phí nhỏ hơn, các loại phim tình cảm, phim hài… có thể phát trên màn ảnh nhỏ mà không quá ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả.
Chính Ben Fritz cũng có nhận định về các mức suy giảm doanh số khác nhau của nhiều thể loại phim: “Rạp sẽ không trống rỗng ở tuần ra mắt ‘Black Widow’ ('Góa phụ đen') ‘Top Gun 2’ ('Phi công siêu đẳng 2') hay ‘Fast and Furious 9’ ('Quá nhanh quá nguy hiểm 9')... nhưng doanh thu có thể giảm đến 20%. Các phim nhỏ hơn có thể giảm cỡ 50%. Thậm chí những phim hài tình cảm, phim ‘drama’ còn có thể sẽ ‘chết’ hoàn toàn."
Trước câu hỏi liệu các bộ phim nước ngoài với mức đầu tư vừa phải có thất thế ngoài rạp Việt Nam, “lên ngôi” trên nền tảng VOD hay không, ông Hoàng Hải cho rằng chưa thể đưa ra kết luận nào đối với thị trường trong nước.
“Chúng ta chưa trải qua thực tế tương tự nên khó có thể khẳng định gì. Bên cạnh đó, nhiều phim đã bị đưa lên online trước khi khán giả có cơ hội thưởng thức tại rạp. Vì vậy, không thể biết chắc khán giả không đến rạp xem phim ‘nhỏ’ nữa, hay họ đã xem ở nhà rồi...”
Giám đốc phát hành của CGV cho rằng thói quen ra rạp xem phim của người Việt vẫn sẽ như cũ, ít nhất trong 3-5 năm tiếp theo.
Ông Hoàng Hải cũng nhận định khán giả Việt ngày càng ủng hộ phim nội. Vì vậy họ sẽ ra rạp để xem phim Việt, bởi đây là những bộ phim sẽ không thể bị “lọt” lên mạng trong thời gian đang chiếu rạp.
[Rạp đóng cửa, phim chờ ngày chiếu trở lại hay bán cho nền tảng online?]
Trong năm 2021, ứng dụng VOD tại Việt Nam như Galaxy Play, VieON... đã và đang tự sản xuất nhiều sê-ri phim (phim bộ) gốc. Giống như Netflix, các ứng dụng chiếu phim trực tuyến cho thấy khác biệt lớn về dạng phim so với rạp - phim truyền hình nhiều tập (VOD) và phim điện ảnh (phim chiếu rạp, độ dài trung bình khoảng 90-120 phút).
Đạo diễn trẻ Lê Bình Giang (phim “KFC,” nhà sản xuất “Thất Sơn tâm linh”) vốn nổi tiếng trong giới điện ảnh Việt Nam với dòng kinh dị, đã hoàn thiện một sê-ri 3 tập phim có tên “Trong màn đêm không chớp mắt” trên nền tảng Galaxy Play.
Có trải nghiệm với cả hai loại hình phim rạp và phim bộ VOD, anh cho rằng sự phát triển của các sê-ri gốc nên là điều tích cực, thúc đẩy cho sự tiến bộ và cố gắng hơn nữa của phim rạp.
“Phim bộ là một thước đo cho phim điện ảnh. Nếu phim điện ảnh không hay bằng sê-ri thì khán giả sẽ ở nhà xem thay vì ra rạp. Như vậy khi làm phim điện ảnh, người làm phim phải quan tâm đến không chỉ nội dung mà còn cả độ hoành tráng của nó, mang đến chất lượng vượt trội so với sê-ri để họ thấy đáng để đến rạp,” Lê Bình Giang chia sẻ./.