Trang mạng thedipplomat.com đưa tin, Mercy Kuo, một "cây bút" của tờ The Diplomat, thường xuyên trao đổi với các chuyên gia, các nhà tư tưởng chiến lược trên toàn cầu để tìm hiểu các góc nhìn đa dạng của họ về chính sách của Mỹ đối với châu Á.
Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi giữa ông Mercy Kuo và Tiến sỹ Mark Hilborne - giảng viên Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc trường Đại học King’s College London, đồng thời là người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu An ninh Không gian - về khía cạnh quân sự của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc trong không gian.
Ứng dụng quân sự của những thành tựu trong không gian gần đây của Trung Quốc
Do tính chất lưỡng dụng vốn có của công nghệ vũ trụ, những bước phát triển trong lĩnh vực này khó có thể phân định mục đích rạch ròi.
Trung Quốc sẽ hướng tới việc sử dụng không gian cho các mục đích quân sự giống như cách mà các quốc gia phương Tây đang làm, gồm: chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và tình báo (C3I); xác định mục tiêu; dẫn đường; vận hành phương tiện bay không người lái (UAV); và có thể là cảnh báo tên lửa trong tương lai. Trung Quốc cũng đang phát triển khả năng phòng thủ không gian để ngăn chặn các đối thủ sử dụng không gian và thực hiện các vụ thử tên lửa chống vệ tinh.
Trong quá khứ, Trung Quốc cũng bị nghi ngờ đã làm nhiễu vệ tinh và thao túng dữ liệu từ vệ tinh. Ví dụ, năm 2014, Trung Quốc được cho là đã can thiệp vào hệ thống vệ tinh NOAA của Mỹ, khiến việc truyền dữ liệu của hệ thống đó bị rơi vào trạng thái ngoại tuyến.
Ngoài ra, cũng có những thông tin khác về hoạt động can thiệp vào tín hiệu GPS ở các khu vực duyên hải của Trung Quốc và trên Biển Đông.
[Viễn cảnh về cuộc chiến tranh không gian Mỹ-Trung]
Năm 2020, Trung Quốc đã phóng một tàu vũ trụ được cho là giống với tàu vũ trụ C-37B của Mỹ cả về hình thức và chức năng. Thiết bị này có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau. Điều này không những có lợi cho quân đội Trung Quốc mà còn có thể được Bắc Kinh sử dụng để thiết lập hoặc củng cố mối quan hệ với những quốc gia hiện đang thiếu khả năng tiếp cận không gian, giúp Trung Quốc phá hủy những mục tiêu của phương Tây và giảm phụ thuộc vào các hệ thống của Mỹ.
Vai trò của chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự trong công nghệ vũ trụ của Trung Quốc
Chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) của Trung Quốc là một chương trình dưới sự quản lý, điều hành của nhà nước nhằm tạo ra các đòn bẩy phát triển các chương trình quân sự và thương mại để củng cố cả sức mạnh quân sự, kinh tế và phát triển khoa học.
Năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu trước Ủy ban Phát triển Hợp nhất Quân sự-Dân sự Trung ương (CCMCFD): “Chúng ta phải đẩy nhanh việc hình thành một hình mẫu phát triển toàn diện, đa lĩnh vực, và có sự kết hợp quân sự-dân sự sâu sắc mang lại hiệu quả cao, đồng thời từng bước xây dựng khả năng chiến lược và hệ thống các chiến lược có sự thống nhất giữa quân sự và dân sự.”
Hướng tới mục tiêu đã nêu, đó là trở thành một cường quốc không gian, một quan chức trong CCMCFD bày tỏ mong muốn những nỗ lực hợp nhất quân sự-dân sự sẽ hỗ trợ sự phát triển của các chương trình thăm dò và khai thác không gian cũng như các năng lực phòng không và phòng vệ trong không gian.
Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc triển khai một số siêu dự án MCF không gian: thiết bị phóng hạng nặng Trường Chinh-9, dịch vụ tàu vũ trụ trên quỹ đạo và hệ thống bảo trì, siêu dự án mạng thông tin tích hợp không gian-trái đất và cơ sở hạ tầng vũ trụ thế hệ tiếp theo.
Vấn đề này sẽ liên quan tới lĩnh vực phân tích dữ liệu lớn và học máy - đây cũng là đối tượng của các chương trình MCF - nhằm hỗ trợ việc tổng hợp dữ liệu khổng lồ được thu thập từ các tài sản không gian.
Nói rộng ra, chúng tương tự các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) khác. Chúng cung cấp vị trí và thời gian chính xác cho một số nhiệm vụ, cả quân sự và dân sự, và độ chính xác của chúng có thể so sánh với các hệ thống cạnh tranh hiện nay. Tín hiệu quân sự được mã hóa mang lại độ chính xác cao hơn so với hệ thống dân sự không được mã hóa.
Các quan chức Trung Quốc đã chú ý tới lợi ích kinh tế to lớn mà hệ thống GPS của Mỹ đã mang lại, bất chấp nguồn gốc quân sự của nó và Trung Quốc sẽ tìm cách mô phỏng hệ thống này. Không giống như các hệ thống GNSS khác, BeiDou là một hệ thống giao tiếp hai chiều. Điều này cho phép nó xác định vị trí của các máy thu. Các thiết bị tương thích với BeiDou có thể truyền dữ liệu trở lại vệ tinh, dưới dạng tin nhắn lên đến 1.200 ký tự tiếng Trung Quốc (ví dụ tin nhắn SOS). Điều này làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống có thể theo dõi người dùng bằng các thiết bị tương thích.
Những kịch bản nào có khả năng xảy ra nhất trong chiến tranh không gian Mỹ-Trung Quốc?
Viễn cảnh có nhiều khả năng xảy ra nhất là bất kỳ một cuộc chiến nào có thể nổ ra trong không gian sẽ phản ánh căng thẳng diễn ra trên Trái đất. Sẽ không có một cuộc chiến tranh nào nổ ra và kết thúc trong không gian nếu như không có những căng thẳng lớn hơn.
Căng thẳng đang diễn ra và từ đó có thể châm ngòi xung đột sẽ là tranh chấp liên quan tới Đài Loan, Biển Đông, hay các tranh chấp lãnh thổ khác liên quan đến Nhật Bản hoặc Ấn Độ. Cần nhớ rằng khi các tài sản trong không gian được kết nối chặt chẽ với nhau và có các chức năng quân sự chiến lược quan trọng, và đặc biệt là các tài sản trong không gian của Mỹ vốn thường được giao nhiệm vụ chỉ huy và kiểm soát các hệ thống vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường quan trọng, một cuộc tấn công nhằm vào các tài sản trong không gian của một quốc gia khác sẽ rất có khả năng leo thang.
Do tính phức tạp của vấn đề hạt nhân, một cuộc tấn công nhằm nhằm lợi thế chiến thuật có thể sẽ bị hiểu lầm là bước khởi đầu cho một cuộc tấn công hạt nhân và có nguy cơ khiến cho một cuộc xung đột trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Ngay cả một cuộc tấn công nhằm vào một trạm trên mặt đất cũng có thể tạo ra những rủi ro tương tự - thậm chí có thể hơn thế, vì những cuộc tấn công như vậy sẽ xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền. Các quốc gia đầu tư và phụ thuộc nhiều vào không gian sẽ không muốn chứng kiến bất kỳ hình thức "đọ súng" nào trong không gian, vốn nhiều khả năng sẽ là các cuộc tấn công tinh vi hơn nhằm gây nhiễu, làm giả hay thao túng dữ liệu và tín hiệu gửi từ vệ tinh.
Tầm quan trọng của an ninh trong không gian
Không gian ngày nay đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Mạng Internet, ngân hàng, thị trường chứng khoán, lưới điện, đó là chưa kể đến một loạt các chức năng quân sự, tất cả đều dựa vào cơ sở hạ tầng đặt trong không gian và dữ liệu mà nó thu thập được.
Ngoài ra, thông tin về vị trí, dẫn đường và thời gian (PNT) thu thập được từ hệ thống GNSS cũng vô cùng quan trọng. Việc không thể tiếp cận dịch vụ này có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho một quốc gia. Do đó, các tác động về an ninh mở rộng từ các khía cạnh quân sự đến hoạt động của toàn xã hội.
Cạnh tranh về công nghệ sẽ cho phép người dẫn đầu giành được hoặc duy trì lợi thế an ninh trong không gian, dưới hình thức thống trị quân sự và (hoặc) lãnh đạo kinh tế.
Đối với Trung Quốc, những lợi thế này có thể mở rộng đến việc thiết lập hoặc tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia khác như đã nêu ở trên, dẫn đến việc gia tăng các liên minh và có khả năng gây tác động tới việc quản trị không gian của quốc tế.
Ngoài ra, những "tiến bộ đi đầu" về công nghệ sẽ mang lại danh tiếng cho các quốc gia như đã từng xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bởi chúng biểu tượng quan trọng của sức mạnh khoa học và xã hội. Có thể lập luận rằng không gian là nơi duy nhất trong đó tất cả các khía cạnh nói có thể xác định rõ ràng như vậy./.