Ngày 19/1, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2006-2010 và việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa; trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực được giao.
Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh đây là đợt giám sát quan trọng liên quan tới khoa học và công nghệ của đất nước.
Đoàn giám sát làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm cụ thể hóa chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.”
Nội dung giám sát tập trung đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đối với việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015; từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật để phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực, đúng định hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ của Việt Nam từng bước được nâng cao. Khoa học và công nghệ đã có đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững và hội nhập; hệ thống phát luật về khoa học và công nghệ tiếp tục được hoàn thiện...
Báo cáo của Bộ cho thấy qua 5 năm triển khai Chiến lược, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.
Trình độ khoa học và công nghệ quốc gia nhìn chung còn tụt hậu xa so với thế giới, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.
Trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Chính vì vậy chưa hình thành được các lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới.
Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, một số chỉ tiêu Chiến lược chưa đạt được, và khó có thể đạt được khi tổng kết Chiến lược vào năm 2020.
Cụ thể, việc thực hiện một số mục tiêu quan trọng của Chiến lược như đầu tư, tăng tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; phát triển một số lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến đạt trình độ khu vực và quốc tế cũng như việc đầu tư, hình thành các tổ chức khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế và khu vực, đầu tư xây dựng các cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao hiện gặp nhiều khó khăn do hạn chế về đầu tư, tài chính và thiếu đồng bộ giữa các cơ chế, chính sách có liên quan...
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đã nghe báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực được giao: Quản lý nhà nước về nghiên cứu và phát triển; tiêu chuẩn, đo lường, chất lược; sở hữu trí tuệ; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; thông tin, thống kê khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
Các thành viên Đoàn giám sát đã tập trung trao đổi, đặt các vấn đề cụ thể như Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đã gắn với việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như thế nào; đâu là nguyên nhân một số mục tiêu cụ thể của Chiến lược không đạt được như mục tiêu về số lượng viện nghiên cứu đạt trình độ khu vực và thế giới, số lượng các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, tỷ lệ số người nghiên cứu khoa học trên 1 vạn dân; việc cụ thể hóa các chính sách khoa học, công nghệ, đặc biệt là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm..../.