Khô hạn và xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn trong tháng Tư tới

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ chưa có dấu hiệu cải thiện trong một hai tháng tới.
Cánh đồng lúa đến kỳ thu hoạch bị chết khô, nứt nẻ vì khô hạn, nhiễm mặn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài, Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết trong tháng Tư tới, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ vẫn tiếp diễn.

Nhận định trên được ông Quang đưa ra tại Diễn đàn "Nhận định tình hình El Nino năm 2016," do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia phối hợp với Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á tổ chức ngày 28/3, tại Hà Nội.

Đây là hoạt động nằm trong dự án "Tăng cường các dịch vụ khí hậu và thời tiết của Myanmar, Bangladesh và Việt Nam nhằm ứng phó với thiên tai do khí tượng thủy văn" với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao, Chính phủ Hoàng gia Na Uy.

Ông Quang cho biết thêm, sự xuất hiện đồng thời của hai hiện tượng là El Nino, La Nina và dao động Nam (gọi là ENSO).

ENSO trạng thái nghiêng về trung tính, khả năng xuất hiện La Nina xác suất 50-60% từ các tháng cuối năm; nhiệt độ miền Bắc nhìn chung cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C; Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ trung bình toàn mùa cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C, riêng Bắc Trung Bộ cao hơn.

Tổng lượng mưa những tháng giao mùa tại Bắc Bộ hụt giảm 15-30% so với trung bình nhiều năm; thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xấp xỉ trung bình nhiều năm, nhiều khả năng mưa lớn tập trung trong nửa cuối mùa mưa bão.

Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ chưa có dấu hiệu cải thiện trong một hai tháng tới.

Tháng Tư là tháng đặc biệt nguy hiểm của tình trạng này, tiến s​ỹ Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.

Cũng tại diễn đàn, Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết theo nhận định của Tổ chức Khí tượng Thế giới, hiện tượng EL Nino 2015-2016 đã qua giai đoạn mạnh nhất nhưng vẫn ảnh hưởng nhiều đến các hình thế khí hậu toàn cầu.

Từ nhiều mô hình đã chỉ ra hiện tượng EL Nino sẽ suy yếu trong thời gian tới và pha trung gian sẽ xuất hiện quý hai năm 2016. Hiện tượng EL Nino 2015-2016 được ghi nhận là mạnh nhất so với những năm 1997-1998 và 1982-1983.

Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới cùng với địa hình phức tạp, tình hình hạn hán xảy ra tương đối thường xuyên, chỉ sau bão và lũ, với xu thế ngày càng khắc nghiệt gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nguồn nước và sản xuất nông nghiệp. Tuy hạn hán có thể nhận biết trước và diễn ra tương đối chậm, nhưng việc phòng, chống lại rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo hạn sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chủ động lập kế hoạch sản xuất, điều chỉnh kế hoạch cấp nước, trữ nước...

Theo bà Trịnh Thu Phương, Trưởng phòng dự báo Thủy văn khu vực Bắc Bộ, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khu vực Nam Bộ độ mặn cao nhất năm xuất hiện vào cuối tháng 3-4/2016, lớn hơn năm 2015. Từ giữa tháng 4-5, độ mặn sẽ giảm dần; khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, hạn hán thiếu nước tiếp tục diễn ra trong mùa cạn với sự thiếu hụt dòng chảy từ 30-50%.

Đỉnh lũ năm các sông phổ biến xuất hiện theo trung bình nhiều năm và lớn hơn năm 2015, phổ biến ở mức Báo động 1-Báo động 2; lũ muộn, lũ trái mùa có thể xuất hiện trên các sông trong năm 2016.

Tại diễn đàn này, các đại biểu tham dự cũng đã chia ra thành nhiều nhóm thảo luận về các lĩnh vực (nông nghiệp, tài nguyên nước và thuỷ lợi, y tế) liên quan đến những nội dung như thời tiết tác động đến các ngành, nghề như thế nào, biện pháp quản lý rủi ro thiên tai ngắn hạn, dài hạn mà các ngành đang thực hiện, các hành động ưu tiên và khó khăn trong việc triển khai thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục