Toàn bộ các kênh mương trong lâm phần U Minh Hạ đã khô cạn

Hiện toàn bộ các kênh mương thuộc khuôn hộ trong lâm phần rừng tràm U Minh Hạ đã khô cạn, giờ chỉ còn lại nguồn nước ở các kênh trục trữ nước để cứu nguy rừng tràm nếu như có xảy ra cháy.
Toàn bộ các kênh mương trong lâm phần U Minh Hạ đã khô cạn ảnh 1Lớp thực bì dày nhiều mét dưới tán rừng U Minh Hạ bị khô khiến cho rừng dễ cháy và khi cháy rất khó để dập tắt. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài khiến trên 43.500 ha rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) đang ở cấp độ báo động cháy cấp cao nhất.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau chia sẻ hiện toàn bộ các kênh mương thuộc khuôn hộ trong lâm phần rừng tràm U Minh Hạ đã khô cạn. Giờ chỉ còn lại nguồn nước ở các kênh trục trữ nước để cứu nguy rừng tràm nếu như có xảy ra cháy. Thế nhưng, nguồn nước duy nhất ở các kênh trục cũng sắp cạn, mực nước còn khoảng 0,3-0,5m.

Dự kiến đến đầu tháng Tư tới đây, khi nguồn nước dưới kênh trục bị khô cạn toàn toàn sẽ đặt rừng tràm đứng trước nguy cơ cháy lớn, khó khống chế đám cháy. Đơn cử, vụ cháy mới đây đã thiệu rụi 1,5 ha rừng tràm tại Tiểu khu 071, ấp 15, xã Khánh An, huyện U Minh.

Tuy còn nguồn nước dưới kênh trục nhưng lực lượng tham gia chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc khống chế, dập tắt đám cháy không để xảy ra cháy lớn.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, công tác phòng, chống cháy rừng tràm U Minh Hạ trong thời điểm thời tiết khắc nghiệt hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là việc không chủ động được nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy.

Do vậy, nếu xảy ra cháy rừng thì hệ thống máy bơm, ống dẫn nước và nhiều thiết bị đắt tiền sẽ mất đi tác dụng. Thêm nữa, hạn hán, nắng nóng kéo dài làm cho lớp thực bì dưới chân rừng rất khô, dễ bén lửa gây ra cháy và rất khó khống chế dập tắt do đám cháy lan nhanh.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu ở U Minh Hạ chưa ý thức chấp hành tốt các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2015-2016.

Cụ thể là doanh nghiệp không tham gia xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hàng năm, chưa trang bị đầy đủ máy bơm chuyên dụng và các dụng cụ, trang thiết bị phục chữa cháy rừng theo quy định.

Điều này gây nhiều khó khăn cho chính quyền, kiểm lâm trong công tác phối hợp với chủ rừng triển khai, thực hiện công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong mùa khô.

Nói về biện pháp phòng chống cháy rừng tràm U Minh Hạ, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, cho rằng trước khó khăn lớn do không chủ động đủ nguồn nước phục vụ chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm đã bố trí cán bộ kiểm lâm cơ sở ngày đêm luân phiên túc trực canh lửa trên toàn diện tích rừng tràm U Minh Hạ.

Nếu phát hiện cháy rừng thì huy động lực lượng theo phương châm bốn tại chỗ để dập tắt ngay đám cháy, không để cháy lan, gây thiệt hại lớn. Đặc biệt cần tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt hơn 8.300 ha rừng tràm ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ; bởi đây là rừng nguyên sinh, bảo tồn rất nhiều loài, cá thể động vật hoang dã quý hiếm như: Heo rừng, nai, khỉ, chồn, kỳ đà, trăn, rắn, dơi quạ… và các loài chim.

Qua kinh nghiệm chữa cháy rừng nhiều năm qua, ông Hải cho biết, biện pháp phòng, chống cháy rừng hiệu quả cao nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác tham gia bảo vệ, phòng chống cháy rừng mùa khô.

Từ đầu mùa khô năm nay, cán bộ kiểm lâm cơ sở kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động trên 9.000 hộ dân cư ngụ trong lâm phần và ven rừng tự giác ký cam kết là không đốt đồng, không chặt phá cây rừng, không khai thác mật ong và săn bắt động vật hoang dã trái phép; đồng thời tích cực tham gia công tác phòng chống cháy rừng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã gắn 37 tấm bảng dự báo cấp cháy, gần 500 bảng cấm lửa, cấm vào rừng và xây dựng pa nô tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài ra đơn vị còn bố trí 60 chốt, trạm ở khu vực ‘‘cửa rừng’’ và huy động hơn 3.000 lực lượng trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ giữ rừng, thường xuyên canh lửa, tuần tra, luồn rừng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp lén lút vào rừng khai thác cây rừng, lấy trộm mật ong và săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Tuy nhiên, trước tình hình khô hạn nghiêm trọng đặt toàn bộ diện tích rừng tràm U Minh Hạ đứng trước nguy cơ cháy lớn.

Trong khi nguồn nước không còn đảm bảo cho chữa cháy rừng, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tính đến phương án vận dụng biện pháp thủ công để cứu rừng khi có xảy ra cháy.

Nghĩa là huy động đông lực thực hiện phương án khoanh vùng, cánh ly đám cháy để hạn chế thấp nhất về thiệt hại.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau cũng đã dự kiến vào đầu tháng 4/2016, sẽ tăng cường một Đại đội với gần 100 chiến sĩ vào rừng U Minh Hạ để sẵn sàng ứng phó với tình huống khi có xảy ra cháy rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục