Khó xử lý vụ hàng không Bamboo Airways bị xâm phạm nhãn hiệu

Theo cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ được công bố tại thời điểm hiện tại, Công ty Tre Việt vẫn chưa được cấp đăng ký cho nhãn hiệu Bamboo Airways (dịch vụ vận tải hàng không thuộc nhóm 39).
Khó xử lý vụ hàng không Bamboo Airways bị xâm phạm nhãn hiệu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: FLC.vn)

Mới đây, dư luận rất quan tâm về việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) hãng bị Cục Hàng không “tuýt còi” về việc quảng bá rầm rộ khi chưa có giấy phép bay tại trang http://bambooairway.vn. Tuy nhiên, phía Bamboo Airways khẳng định đó là trang giả mạo và trang web chính thức của hãng là http://bambooairways.com.

Đại diện Bamboo Airways cũng cho rằng, website giả mạo nói trên thường xuyên đăng tải nhiều thông tin sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động của hãng…

Về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã trao đổi với luật sư sở hữu trí tuệ Trần Tám, Giám đốc Công ty IPCOM.

Không đăng ký "bao vây" tên miền

- Thưa luật sư, trong trường hợp này, Bamboo Airways cần làm gì để bảo vệ mình?

Luật sư Trần Tám: Khi bị thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp, nếu có đủ căn cứ pháp lý và chứng minh được các thiệt hại đó là do người khác gây nên thì Bamboo Airways có thể khởi kiện đối tượng đó ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

[Bamboo Airways nói gì về quảng bá rầm rộ khi chưa có giấy phép bay?]

Nhưng trước khi khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền, Bamboo Airways có thể đăng tải các thông tin cải chính lên các phương tiện truyền thông kèm theo các chứng cứ rõ ràng về việc mình không phải là người chủ động đưa ra các thông tin khi chưa được cấp phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Theo thông tin phóng viên Báo điện tử VietnamPlus có được, tên miền bambooairway.vn được đăng ký vào tháng 3/2018 song trước đó vào năm 2017 đã có thông tin về Bamboo Airways. Như vậy, rất có thể Bamboo Airways không đăng ký tên miền nói trên khiến bị rơi vào tay người khác. Luật sư đánh giá thế nào về việc bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong việc đăng ký tên miền?

Luật sư Trần Tám: Trên thực tế, khi tạo lập và phát triển một thương hiệu mới, song song với việc đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp thường đăng ký các tên miền có liên quan đến tên thương hiệu.

Nguyên tắc của việc đăng ký tên miền là “đến trước được trước,” ai yêu cầu đăng ký nếu chưa có người nào đó đăng ký trước đó thì họ sẽ được cấp và sở hữu tên miền đó. Vì nguyên tắc như vậy, mặc dù chỉ sử dụng 1-2 tên miền nhưng đa phần doanh nghiệp đăng ký “bao vây” rất nhiều tên miền liên quan đến tên thương hiệu của mình nhằm ngăn ngừa bên thứ ba nắm giữ các tên miền liên quan để thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm nhãn hiệu gây tổn hại đến uy tín và danh tiếng của mình trong kinh doanh.

Do đó, việc Bamboo Airway không đăng ký tên miền với nhiều đuôi khác nhau để ngăn ngừa các hành vi không lành mạnh có thể xảy ra trong tương lai (và thực tế đã xảy ra) là rất đáng tiếc.

Khó xử lý vi phạm

- Thực tế thì việc giả mạo nhãn hiệu bằng cách lập website không phải là hiếm. Hiện nay, luật pháp Việt Nam xử lý việc này như thế nào? Theo luật sư, chế tài đã đủ nghiêm khắc hay chưa?

Luật sư Trần Tám: Pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực sở hữu trí tuệ đều có các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc đăng ký và sử dụng tên miền trái pháp luật, cụ thể là Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (Nghị định 174) và Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/08/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định 99).

Trong khi Nghị định 174 quy định xử phạt về hình thức thì Nghị định 99 quy định xử phạt về nội dung. Cụ thể, Điều 41 Nghị định 174 quy định tổ chức, cá nhân mạo danh tổ chức, cá nhân khác để thực hiện việc đăng ký tên miền “.vn” thì có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng và bị thu hồi tên miền.

Nghị định 99 thì quy định nếu tổ chức, cá nhân “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” có thể bị xử phạt 5-20 triệu đồng kèm hình phạt bổ sung là “buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền.”

Tuy nhiên, tôi không cho rằng các quy định của Nghị định 99 có thể áp dụng được trong trường hợp của BambooAirway (hiện đang được tuyên bố do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàng không Tre Việt (thuộc Tập đoàn FLC) sở hữu.

Bởi, theo tra cứu của tôi trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ được công bố tại thời điểm hiện tại Công ty Tre Việt vẫn chưa được cấp đăng ký cho nhãn hiệu Bamboo Airways (dịch vụ vận tải hàng không thuộc nhóm 39), họ mới nộp đơn và chưa được cấp chứng nhận. Khi chưa được cấp đăng ký thì nhãn hiệu này vẫn chưa thuộc về họ. Một đơn vị không thể tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà chưa thuộc về mình được.

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, theo luật sư, các doanh nghiệp cần phải làm gì để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình trong bối cảnh hiện nay?

Luật sư Trần Tám: Để bảo vệ được mình, các doanh nghiệp trước hết phải nhận diện được mình có tài sản gì. Thực tế, có những doanh nghiệp không biết họ có những loại quyền sở hữu trí tuệ gì, có những sáng chế nào, kiểu dáng công nghiệp nào, nhãn hiệu nào. Thậm chí chính họ bộc lộ công khai quyền sở hữu trí tuệ của mình trước khi nộp đơn, làm cho đối tượng bị mất tính mới và bị từ chối bảo hộ. Và, khi nộp đơn đăng ký thì không biết tình trạng ra sao, chuyển nhượng như thế nào. Điều này rất đáng tiếc, như việc BambooAirways trong bối cảnh hiện tại rất khó có thể yêu cầu xử lý xâm phạm hành chính đối với quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Khi nhận diện được quyền sở hữu trí tuệ rồi, thì phân loại các tài sản trí tuệ để có cơ chế bảo hộ phù hợp. Bởi có rất nhiều loại tài sản trí tuệ khác nhau, cơ chế xác lập quyền và bảo hộ cũng khác nhau.

Khi đã nhận diện và phân loại được, doanh nghiệp sẽ có các cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách phù hợp, biết yêu cầu cơ quan nào xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đạt được mục tiêu mang lại hiệu quả để có thể bảo toàn được uy tín, danh tiếng của mình trong một môi trường cạnh tranh phức tạp như hiện nay.

- Xin cảm ơn luật sư!

Hãng trang sức nổi tiếng thất bại việc khôi phục tên miền

Luật sư Trần Tám cũng đưa ra ví dụ về thương hiệu trang sức nổi tiếng Pandora thất bại trong việc khôi phục tên miền tiếng Hà Lan pandora.nl trong một vụ tranh chấp được đệ trình tới WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới).

Tên miền được đăng ký vào năm 1997 và do một công ty Hà Lan có tên Safenet sở hữu. Safenet đã bị giải thể vào năm 2011 và tên miền này hiện do người khác quản lý. Pandora cho biết người sở hữu tên miền pandora.nl không có lợi ích hợp pháp đối với tên miền này và chỉ giữ nó để bán, như được thể hiện qua đề nghị bán cho Pandora với giá € 25,000.

Tuy nhiên, trong quyết định (bằng tiếng Hà Lan), người phát ngôn của WIPO, Remco van Leeuwen, tuyên bố Pandora không chứng minh được bên bị đơn không có quyền lợi hợp pháp từ tên miền này, cụ thể họ không sử dụng tên miền nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như thương hiệu của Pandora.

Theo van Leeuwen, việc tên miền được chào bán tới Pandora không đủ chứng minh rằng nó đã được sử dụng vào mục đích xấu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục