Vi phạm nhãn hiệu Apple: Mức phạt cao nhất có thể tới 250 triệu đồng

Luật sư cho biết, trong trường hợp Apple yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt, tùy hành vi cụ thể và giá trị hàng hóa xâm phạm, mức phạt cao nhất có thể lên tới 250 triệu đồng đối với cửa hàng vi phạm.
Vi phạm nhãn hiệu Apple: Mức phạt cao nhất có thể tới 250 triệu đồng ảnh 1Nhiều cửa hàng sử dụng nhãn hiệu của Apple ở Việt Nam đã nhận được thư thông báo vi phạm. (Ảnh chỉ có tính minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc Công ty Võ Trần (VOTRA), xưng là đại diện pháp lý của Apple Inc, gửi "tối hậu thư" thông báo tới một số cửa hàng bán, sửa chữa iPhone, iPad… dừng các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong thư, phía VOTRA nêu rõ, Apple là chủ sở hữu các nhãn hiệu Apple, iPhone, biểu tượng quả áo khuyết (trên sản phẩm Apple), và nhiều nhãn hiệu khác như App Store, Apple Store, iPod, Macbook, iPad… đang được bảo hộ tại Việt Nam..

Dựa theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng các nhãn hiệu nói trên trên biển hiệu cửa hàng hoặc trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh mà không được sự đồng ý của Apple đều là bất hợp pháp. Do đó, VOTRA đã yêu cầu các cửa hàng trên trong 7 ngày phải chấm dứt hoạt động sử dụng các nhãn hiệu của Apple…

Đây rõ ràng là “biện pháp mạnh” của ​Apple nhằm bảo vệ thương hiệu cũng như các đối tác của mình ở thị trường Việt Nam. Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Tám, (Công ty IPCOM), một chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ về vấn đề này.

- Thưa luật sư, việc VOTRA gửi thông báo tới các cửa hàng về việc họ sử dụng các nhãn hiệu của Apple là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, các cửa hàng này đã vi phạm điều luật nào?

Luật sư Trần Tám: Có hai trường hợp xảy ra trong tình huống thực tế này.

Một là các cửa hàng kinh doanh hàng không phải do Apple Inc cung cấp ra thị trường, tức là hàng “không chính hãng” mang nhãn hiệu được bảo hộ của Apple, hàng “giả mạo nhãn hiệu.” Nếu ở trường hợp này, các cơ sở đang xâm phạm nhãn hiệu của Apple Inc theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, trường hợp các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Apple Inc cung cấp ra thị trường, hàng chính hãng. Nếu cơ sở kinh doanh chứng minh được việc họ kinh doanh là hợp pháp, hàng hóa họ mua từ đơn vị đại lý được ủy quyền của Apple Inc với đầy đủ các chứng từ hóa đơn thì cũng cần phải cân nhắc hành vi phân phối. Trường hợp này theo tôi, phải cẩn trọng để đánh giá, có thể không xâm phạm trong một vài tình huống cụ thể ví dụ như nhập khẩu song song để phân phối (không tính đến việc quảng cáo).

Ngược lại, nếu họ không chứng minh được hàng hóa của họ mua là hợp pháp, thì dù hàng chính hãng vẫn có thể kết luận họ đang xâm phạm (do không chứng minh được bằng tài liệu hay hóa đơn mua hàng) vì trong trường hợp này nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên bị cáo buộc.

- Trong trường hợp vi phạm nói trên, khi cơ quan chức năng vào cuộc, các cửa hàng sẽ phải chịu hình thức xử lý thế nào? Mức phạt cao nhất của luật pháp Việt Nam trong trường hợp này ra sao?

Luật sư Trần Tám: Tùy thuộc vào biện pháp xử lý mà bên bị xâm phạm (cụ thể ở đây là Apple Inc) lựa chọn. Nếu Apple kiện ra Tòa án có thẩm quyền thì Tòa án sẽ áp dụng các biện pháp trong phạm vi pháp luật cho phép, chẳng hạn như buộc chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại, mức yêu cầu bồi thường dựa vào yêu cầu của nguyên đơn (là Apple Inc) và căn cứ trên các thiệt hại thực tế mà chủ sở hữu nhãn hiệu phải gánh chịu.

Trong trường hợp người bị xâm phạm yêu cầu cơ quan hành chính xử phạt vi phạm hành chính thì mức phạt cũng tùy vào hành vi cụ thể và giá trị hàng hóa xâm phạm, mức phạt cao nhất có thể lên tới 250 triệu đồng (nếu giá trị hàng hóa xâm phạm trên 500 triệu đồng).

Vi phạm nhãn hiệu Apple: Mức phạt cao nhất có thể tới 250 triệu đồng ảnh 2Danh sách địa chỉ cửa hàng ủy quyền của Apple được hãng niêm yết trên website và không khó để tìm kiếm. (Ảnh: chụp màn hình)

- Phía VOTRA đã gửi thông báo và “cảnh báo” rất rõ ràng, luật sư có lời khuyên nào dành cho các cửa hàng sử dụng nhãn hiệu của Apple ở Việt Nam?

Luật sư Trần Tám: Việc viết thư cảnh báo tới bên bị cáo buộc xâm phạm là cách thức nên được khuyến khích trước khi đẩy vụ việc đi xa hơn là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc (Tòa án và Cơ quan hành chính).

Bên bị cáo buộc (ở trường hợp cụ thể này là các cơ sở bán hàng của Apple Inc nhỏ lẻ, không phải là đại lý chính thức của Apple Inc tại Việt Nam) nếu có những căn cứ cho rằng mình đang kinh doanh hợp pháp sản phẩm này (ví dụ trong trường hợp nhập khẩu song song) thì có thể có ý kiến trả lời với đại diện pháp lý của Apple Inc tại Việt Nam (trong trường hợp bên đại diện pháp lý chứng minh được đúng là mình có quyền cảnh báo xâm phạm tức là có ủy quyền chính thức của Apple Inc về việc xử lý xâm phạm nhãn hiệu tại Việt Nam bằng văn bản).

Còn trong trường hợp đang kinh doanh bất hợp pháp, các cửa hàng nên làm theo yêu cầu của phía đại diện trước khi họ áp dụng các biện pháp mạnh hơn bằng việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc kinh doanh nhiều mặt hàng, trong đó có công nghệ tại Việt Nam khá "bừa bãi" và việc Apple thắt chặt chính sách cũng sẽ là dấu mốc giúp các cửa hàng nhìn lại cách kinh doanh của mình. Quan điểm của chị về việc này thế nào?

Luật sư Trần Tám: Tôi đồng tình với ý kiến này. Việc này sẽ mang lại một môi trường kinh doanh lành mạnh, sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp luôn tạo ra những sản phẩm mới phục vụ xã hội và mang lại lợi nhuận cho chính họ.

- Xin cảm ơn chị!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục