Hoạt động khoa học công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trình độ công nghệ của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp từng bước được nâng cao và cải thiện qua từng giai đoạn.
Thành quả này đưa thành phố trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ của khu vực phía Nam cũng như cả nước.
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thành phố xác định định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó khẳng định vai trò của khoa học công nghệ phải thực sự là động lực cho sự phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội, trong đó một số cơ chế, chính sách cho lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần tạo điều kiện thu hút đội ngũ trí thức khoa học công nghệ làm việc, cống hiến xây dựng và phát triển thành phố.
Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết với chủ đề khoa học công nghệ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài 1: Nền tảng cho sự phát triển
Chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng hoàn thiện, bám sát nhu cầu thực tế.
Thành phố là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc khuyến khích, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ vào tổ chức, quản trị, sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng.
Trung tâm khoa học công nghệ
Thành phố đầu tư xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và 13 đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng hoạt động khoa học công nghệ, tạo điều kiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và sáng tạo cho đội ngũ trí thức khoa học công nghệ.
Thành phố khuyến khích xã hội đầu tư phát triển mạng lưới với hơn 483 tổ chức khoa học công nghệ và 134 phòng thí nghiệm.
[TP Hồ Chí Minh: Đưa vào vận hành Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế]
Về đầu tư cho con người, thành phố đã triển khai chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; Đề án về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai giai đoạn 2020-2035; các chương trình hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như bán dẫn, phân tích kiểm nghiệm, quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo. Thành phố thí điểm các chính sách hỗ trợ thu nhập để thu hút chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Những chính sách trên đã giúp nhiều lĩnh vực tại thành phố đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phục vụ phát triển ngành với nguồn nhân lực trong nước.
Với ngành điện lực, điểm sáng chính là lưới điện thông minh. Hơn 10 năm nghiên cứu và triển khai, hiện Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển được hệ thống lưới điện thông minh với đầy đủ các cấu phần theo đúng chuẩn mực quốc tế gồm: giám sát và điều khiển; phân tích dữ liệu; độ tin cậy cung cấp điện; tích hợp nguồn phân tán; năng lượng xanh; an ninh bảo mật.
Theo ông Bùi Hải Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Thành phố, trong suốt quá trình thực hiện, phần lớn các công việc trọng tâm đều dựa trên nguồn nhân lực nội bộ chất lượng cao với tinh thần đổi mới sáng tạo, hăng say lao động.
Tổng Công ty đã cơ bản hoàn tất quá trình tự động hóa toàn bộ lưới điện, tiêu biểu là đã chuyển đổi 100% các trạm 110 kV truyền thống sang mô hình trạm 110kV không cần người trực vận hành, tiết kiệm hơn 400 lao động vận hành trạm.
Doanh nghiệp hiện là một trong số ít đơn vị phân phối điện trên thế giới có lưới điện trung thế vận hành hoàn toàn tự động.
Hiệu quả mang lại từ lưới điện thông minh giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện: số lần mất điện bình quân của khách hàng giảm từ 24 lần (năm 2011) xuống còn 0,54 lần (năm 2021); thời gian mất điện bình quân của khách hàng giảm từ 3.433 phút (năm 2011) xuống còn 41 phút (năm 2021). Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2021 đạt 3,12%, giảm sâu so với năm 2011 (5,76%), ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Võ Thanh Thu (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), Thành phố Hồ Chí Minh là trụ cột của các tỉnh miền Đông Nam Bộ khi triển khai nhanh các loại khu công nghệ cao. Thành phố đi đầu trong xây dựng và phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung. Sau 22 năm thành lập, Công viên Phần mềm Quang Trung là trung tâm phần mềm duy nhất ở Việt Nam thu hút hơn 150 doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm và giải pháp công nghệ không những phục vụ cho nội địa mà còn xuất khẩu.
Giáo sư, Tiến sỹ Võ Thanh Thu cho rằng Công viên Phần mềm Quang Trung góp phần tạo sự phát triển mang tính lan tỏa ứng dụng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến các địa phương khác. Thương hiệu này được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đóng góp vào xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành Công nghệ thông tin và phần mềm, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước dẫn đầu thế giới về dịch vụ thuê ngoài trong lĩnh vực phần mềm, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về thu hút đầu tư công nghệ thông tin.
Một điểm sáng khác trong phát triển khoa học công nghệ là Thành phố đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao. Đến nay, Khu đã thu hút được 160 dự án, trong đó 70 dự án sản xuất công nghệ cao. Thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn), Datalogic (Italia)... đã có mặt tại đây.
Thành phố đã hỗ trợ xây dựng một số cơ sở góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao của Việt Nam như Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao; Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Trung tâm Công nghệ sinh học; Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới (Neptech); Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch phục vụ ngành công nghiệp điện tử; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán; Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano; các vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ.
Theo ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TMA Solutions, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều tập đoàn công nghệ hoạt động cũng như tìm hiểu. Do đó, Thành phố nên tìm cách thu hút đầu tư đối với các tập đoàn này. Thành phố cần thực hiện thu hút đầu tư mạnh mẽ và chú ý đến việc đưa doanh nghiệp công nghệ thông tin ra nước ngoài mời gọi đầu tư.
Tăng năng lực cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động khoa học công nghệ của Thành phố giai đoạn 2012-2021 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế thành phố. Cơ cấu kinh tế thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình và trung bình tiên tiến ngày càng tăng (giai đoạn 2016-2020 đạt mức trung bình chiếm 75%, trung bình tiên tiến chiếm 13%).
Thành phố đã xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và làm chủ công nghệ, trong đó đã hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất; hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ, tiếp cận nguồn vốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu và hát triển bền vững.
Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao, nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Thành phố ưu tiên thu hút các dự án thuộc các ngành trên vào các khu công nghiệp, khu chế xuất; hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ thông qua xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và hai ngành công nghiệp truyền thống tăng qua các năm.
Thành phố có nhiều sản phẩm công nghệ cao như sản phẩm khuôn mẫu chính xác của Công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate, các sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất Hiệp Phước Thành và Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên cung cấp vào chuỗi sản phẩm của Samsung…
Các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp doanh nghiệp có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020 đạt trên 41%, trong đó doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 56,7%, doanh nghiệp trong 9 ngành dịch vụ là 39,5%.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã triển khai nhiều chương trình, đề án quan trọng như Chương trình chuyển đổi số; Đề án đô thị thông minh; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin-truyền thông; Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố; Đề án phát triển ngành logistics. Đây sẽ là tiền đề để thành phố tiếp tục phát triển dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo./.