Khoảng 1.000 binh sỹ đã đến Litva đảm bảo an ninh cho hội nghị NATO

Đến nay, 16 quốc gia thành viên NATO đã gửi khoảng 1.000 binh sỹ đến Litva để đảm bảo an ninh cho các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra trong hai ngày 11-12/7 tại Litva.
Khoảng 1.000 binh sỹ đã đến Litva đảm bảo an ninh cho hội nghị NATO ảnh 1(Tư liệu) Binh sỹ Đức được điều động tới Litva tham gia sứ mệnh của NATO, tới sân bay Kaunas ở Karmelava. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang triển khai các biện pháp nhằm tăng cường an ninh cho hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này, dự kiến diễn ra trong hai ngày 11-12/7 tại Litva.

Đến nay, 16 quốc gia thành viên NATO đã gửi tổng cộng khoảng 1.000 binh sỹ đến Litva để đảm bảo an ninh cho các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị.

Nhiều nước cũng cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến mà các quốc gia Baltic còn thiếu. Đức đã triển khai 12 bệ phóng tên lửa Patriot dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hoặc máy bay chiến đấu.

Tây Ban Nha gửi hệ thống phòng không NASAMS, Pháp gửi pháo tự hành Caesar trong khi Anh và Pháp sẽ cung cấp khả năng chống máy bay không người lái.

Đức và Ba Lan cùng nhiều nước khác cũng cung cấp sự hỗ trợ đảm bảo an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh NATO, trong đó có tính đến khả năng ứng phó với các cuộc tấn công hóa học, sinh học và hạt nhân nếu có.

[Trụ sở chỉ huy của NATO tại Latvia đi vào hoạt động đầy đủ]

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho rằng nỗ lực của các đồng minh nhằm bảo đảm an ninh phòng không cho Hội nghị thượng đỉnh NATO có nghĩa là liên minh quân sự cần nhanh chóng thiết lập lực lượng phòng không thường trực ở các nước Baltic.

Theo ông, Litva sẽ làm việc với các đồng minh để thành lập một lực lượng luân phiên cho nhiệm vụ phòng không lâu dài sau khi sự kiện này kết thúc.

Các nước Baltic gồm Litva, Estonia và Latvia đều là thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU). Theo cam kết, kể từ năm 2024, mỗi nước này sẽ chi hơn 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Tuy nhiên, đối với khu vực gồm khoảng 6 triệu dân này, như vậy là chưa đủ để duy trì các lực lượng quân đội lớn, đầu tư máy bay chiến đấu của riêng mình hoặc các hệ thống phòng không tiên tiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.