Khoảng 1.500 tay súng thánh chiến từ Trung Đông trở lại châu Âu

Có 5.000 phần tử thánh chiến Hồi giáo người châu Âu đã đến Syria và Iraq, trong đó khoảng 1/3 đã quay trở lại "lục địa già" và một số phần tử đã nhận lệnh tiến hành các vụ tấn công khủng bố.
Khoảng 1.500 tay súng thánh chiến từ Trung Đông trở lại châu Âu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: iran-daily.com)

Một báo cáo của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 7/12 ước tính có 5.000 phần tử thánh chiến Hồi giáo người châu Âu đã đến Syria và Iraq, trong đó khoảng 1/3 đã quay trở lại "lục địa già," và một số phần tử đã nhận lệnh tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

Báo cáo nêu rõ khoảng 2.500 tay súng châu Âu vẫn đang tham chiến ở các nước trên và có thể chưa trở lại châu Âu với số lượng lớn trong thời gian ngắn sắp tới.

Khoảng 15-20% số tay súng người châu Âu (khoảng 750-1.000 người) đã thiệt mạng trên các chiến trường và khoảng 30-35% đã trở lại châu Âu (khoảng 1.500-1.750 người).

Theo báo cáo trên, ngay cả phụ nữ và trẻ em người châu Âu sinh ra hoặc lớn lên tại các vùng đất nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng có thể bị cực đoan hóa và đặt ra mối đe dọa an ninh.

Hiện không có số liệu cụ thể về số đối tượng trở lại châu Âu bị kết án, đang thụ án tù, đang bị theo dõi hay đã được trở lại hòa nhập cùng cộng đồng.

Báo cáo cũng lưu ý rằng các tay súng từ nước ngoài trở lại châu Âu đã tổ chức cuộc tấn công tại Paris vào cuối tháng 11 năm ngoái và vụ đánh bom tại Brussels vào tháng Ba năm nay. IS đã nhận đứng sau cả hai vụ tấn công này.

Ngoài ra, các phần tử khủng bố tuyên bố trung thành với IS tại Libya cũng có thể đang tìm cách sử dụng quốc tịch châu Âu hoặc kết nối với gia đình để trở lại châu Âu.

Những tay súng trở về từ Trung Đông và Libya giữ liên lạc với IS thông qua phương tiện truyền thông xã hội, chủ yếu qua Twitter hoặc ứng dụng tin nhắn Telegram.

Điều phối viên về chống khủng bố của EU Gilles de Kerchove sẽ gửi bản báo cáo trên đến các Bộ trưởng Nội vụ EU vào ngày 8/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.