Rừng chiếm khoảng 31% diện tích đất toàn cầu và là môi trường sống quan trọng của hàng triệu loài.
Bởi vậy, rừng được coi là ngôi nhà thiên nhiên của con người và của mọi giống loài.
Ngày Quốc tế bảo vệ rừng 21/3 năm nay, Liên hợp quốc chọn chủ đề “Rừng và Sức khỏe," khẳng định mối quan hệ và tầm quan trọng của rừng đối với sức khỏe con người, đồng thời nhấn mạnh quản lý rừng bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng là chìa khóa chống biến đổi khí hậu, góp phần vào sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy nạn phá rừng khiến mỗi năm thế giới mất 13 triệu ha rừng, tương đương diện tích của Bồ Đào Nha. Điều này làm tăng 6 tỷ tấn CO2/năm, gấp 3,6 lần lượng khí thải của các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2010.
Theo Báo cáo tình trạng rừng thế giới (SOFO), trong giai đoạn 1990-2020, khoảng 420 triệu ha rừng đã mất đi do nạn phá rừng, xấp xỉ 10,34% tổng diện tích rừng toàn cầu. Nếu không thực hiện thêm các biện pháp quyết liệt, ước tính khoảng 289 triệu ha rừng sẽ bị tàn phá trong giai đoạn 2016-2050 chỉ riêng ở vùng nhiệt đới, dẫn đến phát thải 169 tỷ tấn CO2.
Có thể khẳng định rừng giữ vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe con người, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, từ cung cấp ôxy, thanh lọc nguồn nước và không khí giúp giảm thiểu các mối đe dọa của các bệnh liên quan đến ô nhiễm; hạn chế tác động của biến đối khí hậu tới sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ khả năng chống chịu của con người trước biến đổi khí hậu tới cung cấp thực phẩm bồi bổ sức khỏe, các dược liệu quý... Rừng cũng có thể bảo vệ con người trước những mối đe dọa sức khỏe, như gió bão, lũ quét, dịch bệnh...
Bên cạnh đó, sống dưới ngôi nhà thiên nhiên trong lành, con người cũng được tận hưởng, thư giãn, tăng cường sức khỏe tinh thần, kéo dài tuổi thọ...
Trong khi đó, tình trạng phá rừng, suy giảm hệ sinh thái rừng đang gây những hậu quả nặng nề về sức khỏe. Theo thống kê của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), gần 1/3 đợt bùng phát dịch bệnh mới và đang phát sinh có liên quan đến việc phá rừng. Thực trạng này khiến rừng mất đi vai trò là tuyến phòng thủ giúp con người chống lại các loại bệnh truyền nhiễm.
Tình trạng ô nhiễm do cháy rừng cũng là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe, gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, ảnh hưởng tới thai phụ, dẫn tới tình trạng sinh non, nhẹ cân, tiểu đường thai kỳ...
Các thống kê cho thấy tại Brazil, khói bụi từ các đám cháy rừng làm gia tăng số ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến đường hô hấp, ước tính khoảng 339.000 ca mỗi năm.
Phá rừng cũng là nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu, đe dọa sức khỏe con người. Rừng nhiệt đới có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu lượng lớn khí thải CO2. Tuy nhiên, tình trạng rừng bị phá và suy thoái hiện là nguyên nhân gây ra khoảng 10% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Các nhà khoa học cho biết nạn phá rừng mưa nhiệt đới Amazon có nguy cơ dẫn đến việc hơn 12 triệu người gặp rủi ro về sức khỏe do nắng nóng khắc nghiệt. Từ nay đến năm 2100, khoảng 30 triệu người sẽ chịu tác động của tình trạng sốc nhiệt cũng như những tác động khác về mặt sức khỏe do nạn phá rừng nhiệt đới Amazon gây ra.
[Thế giới cần nỗ lực ngăn chặn nạn chặt phá rừng]
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) tháng 11/2021, lãnh đạo của hơn 100 quốc gia đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng vào năm 2030. Lãnh đạo của hơn 30 tổ chức tài chính cũng đã cam kết “loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng."
Hiện nhiều quốc gia cũng đã đưa các mục tiêu về rừng vào kế hoạch khí hậu mang tên Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Tháng 11 năm ngoái, Indonesia là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán 20,9 triệu USD trong gói 110 triệu USD từ Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới vì những nỗ lực giảm 13,5% khí thải có nguồn gốc từ phá rừng và suy thoái rừng trong các năm 2019 và 2020.
Việt Nam đang triển khai chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, phủ xanh đất trồng, đồi trọc trong giai đoạn 2021-2025 được triển khai trên cả nước đã và đang đạt nhiều kết quả khả quan, với mục tiêu đến năm 2050, lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất dự kiến sẽ giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ CO2 so với kịch bản phát triển thông thường.
Tại hội nghị thượng đỉnh về bảo vệ rừng ở Gabon vào đầu tháng 3 này, Tổng thống nước chủ nhà Ali Bongo Ondimba đã nhấn mạnh thông điệp: “Ngày nay không có khoản đầu tư nào tốt hơn đầu tư vào rừng."
Thế giới đã và đang nhận được những món quà quý giá từ hệ sinh thái này. Bởi vậy, thông điệp của Ngày quốc tế bào vệ rừng 2023 là “Hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại vì bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn!”. Bảo vệ rừng chính là chìa khóa để con người có thể sống khỏe và thịnh vượng trong ngôi nhà thiên nhiên./.