Khoảng 5,6% trẻ em Việt Nam có khả năng bị buôn bán

Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 5,6% trẻ em trong diện khảo sát có thể đã có những trải nghiệm, dấu hiệu cho thấy là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người.
Các thầy cô đưa trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số đến trường. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Theo kết quả nghiên cứu về di cư, bóc lột và nạn buôn bán trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam, khoảng 5,6% trẻ em Việt Nam có khả năng bị buôn bán.

Nghiên cứu do Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam công bố ngày 13/8, tại Hà Nội.

Nghiên cứu về di cư, bóc lột và nạn buôn bán trẻ em, thanh thiếu niên ở Việt Nam được thiết kế nhằm củng cố các thông tin, bằng chứng về nạn buôn bán và bóc lột trẻ em ở Việt Nam.

Nghiên cứu tìm hiểu các loại hình, động cơ của nạn buôn bán trẻ em và bóc lột lao động, xác định các yếu tố cụ thể làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của trẻ em, xem xét trải nghiệm của những người từng bị buôn bán trở về tái hòa nhập và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

Nghiên cứu do tổ chức Coram quốc tế thực hiện với sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Vương quốc Anh (UNICEF UK).

Số liệu trong nghiên cứu do Tổ chức Coram quốc tế, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Viện Nghiên cứu con người Việt Nam (Viện Hàn lâm, Khoa học và Xã hội Việt Nam) thực hiện.

['Lấy hạnh phúc, sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động']

Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho biết nhóm nghiên cứu đã thực hiện hai cuộc khảo sát lớn từ năm 2017.

Khảo sát được thực hiện trên 3.885 trẻ em và thanh niên tại 36 xã trên toàn quốc để tìm hiểu về việc làm, cuộc sống, những vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em.

Sau đó, 769 hộ gia đình được chọn ra để thực hiện khảo sát phỏng vấn chủ hộ gia đình. Những hộ gia đình tham gia khảo sát này đều có trẻ em vắng mặt trong gia đình.

Ngoài hai cuộc khảo sát lớn kể trên, nghiên cứu còn thực hiện khảo sát 84 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-24 được chính thức công nhận là nạn nhân bị buôn bán đã và đang được hỗ trợ thông qua các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước hoặc các chương trình trợ giúp khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 5,6% trẻ em trong diện khảo sát có thể đã có những trải nghiệm, dấu hiệu cho thấy là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Tuy nhiên, chỉ có 2,8% được xác nhận là nạn nhân... Trẻ em gái, nữ thanh niên hay trẻ em trai, nam thanh niên đều có mức độ nguy cơ giống nhau.

Việc buôn bán người đều bắt nguồn từ sự di cư tự nguyện (chỉ có 13% cho biết bị đưa đi trái với ý muốn) do tin vào lời hứa hẹn của những kẻ buôn bán người về cơ hội việc làm có thu nhập cao, công việc tốt, cơ hội học hành... Đa số nạn nhân được cứu trở về rất khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

Báo cáo đưa ra những khuyến nghị nhằm phòng ngừa, ứng phó với buôn bán và bóc lột lao động trẻ em.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, đánh giá, nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính sách và chương trình tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy cần tăng cường hơn nữa các hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu về tình trạng buôn bán người, dữ liệu phân tích về giới; cần nỗ lực thúc đẩy hơn nữa các phương pháp phòng ngừa bao gồm nâng cao nhận thức về nguy cơ rủi ro đối với những người di cư; tăng cường hơn nữa dịch vụ xã hội cho các gia đình nghèo dễ bị tổn thương.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tạo ra nhiều hơn cơ hội việc làm cho thanh thiếu niên; tăng cường khả năng tiếp cận của trẻ em dễ bị tổn thương và dễ trở thành nạn nhân của buôn bán người với dịch vụ hỗ trợ, bảo trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục