Trong một thập kỷ qua, chênh lệch giàu nghèo giữa những người giàu nhất nước Mỹ (chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ dân số) với những người nghèo nhất đang ngày càng được nới rộng.
Trong báo cáo công bố ngày 21/8, Cục Thống kê dân số Mỹ cho biết trong giai đoạn 2000-2011, giá trị tài sản tăng thêm hàng năm của những gia đình giàu nhất nước Mỹ tăng 11%, đạt trung bình 630.754 USD/hộ/năm.
Tuy nhiên, do tài sản của phần lớn các hộ gia đình Mỹ lại bị "co hẹp" trong thời gian này nên nhìn chung tổng giá trị tài sản tăng thêm hàng năm giảm 7%, xuống chỉ còn 68.828 USD/hộ/năm.
Đáng chú ý, trong năm 2011, giá trị tài sản tăng thêm của những gia đình nghèo nhất nước Mỹ bị âm tới hơn 6.000 USD so với con số âm 900 USD hồi năm 2000.
Theo báo cáo, khoảng cách giàu nghèo giữa người da trắng và da màu ở Mỹ cũng tăng trong giai đoạn trên. Số tài sản tăng thêm hàng năm của những người da trắng cao hơn rất nhiều so với những người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha. Chênh lệch tài sản tăng thêm cũng xảy ra theo độ tuổi. Cụ thể, tài sản tăng thêm của những người dưới 55 tuổi giảm, trong khi con số này của những người trên 65 tuổi lại tăng. Giá trị tài sản của những người từ 55-64 hầu như vẫn giữ nguyên.
Giới phân tích nhận định thị trường chứng khoán và bất động sản tăng vọt sau cuộc khủng hoảng nhà đất khiến túi tiền của những người giàu có ở Mỹ tiếp tục phình to, trong khi hầu bao của những người thuộc nhóm nghèo nhất xẹp lép do phải gánh những khoản nợ vượt quá số tài sản hiện có. Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng chênh lệch tài sản hiện nay.
Báo cáo của Cục Thống kê dân số Mỹ được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát giá trị cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng, giá trị bất động sản, lương hưu, tiền thế chấp nhà, vay ngân hàng... của các hộ gia đình./.