Khởi công đường nối Hòa Lạc với Hòa Bình gần 5.250 tỷ đồng

Ngày 10/10, tại huyện Thạch Thất, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội khởi công xây tuyến Đường Cao tốc đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến Cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình.
Quang cảnh lễ khởi công. (Ảnh: TTXVN phát)

Chào mừng kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), ngày 10/10, tại huyện Thạch Thất, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội tổ chức khởi công xây dựng tuyến Đường Cao tốc đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến Cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình.

Dự án có tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và Trung ương hỗ trợ, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2026.

Dự lễ khởi công có Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 6,7km, mặt cắt ngang 120-180m, điểm đầu kết nối với nút giao hoa thị giữa đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21 tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất; điểm cuối (Km6+700) kết nối với Cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Trên tuyến có 4 công trình cầu (vượt sông, đường ngang) và 5 công trình hầm (1 hầm chui trực thông dọc tuyến chính phục vụ thành phần đường cao tốc và 4 hầm chui dân sinh ngang đường).

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội Đồng Phước An cho biết để xây dựng tuyến đường phải giải phóng mặt bằng, thu hồi khoảng 105,8ha đất. Dự án sẽ vừa thi công, vừa tiến hành giải phóng mặt bằng.

[Sắp có đường nối Đại lộ Thăng Long với cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình]

Phát lệnh khởi công, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh việc triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến Đường Cao tốc đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến Cao tốc Hà Nội-Hòa Bình rất cấp thiết và quan trọng, nhằm thực hiện các quy hoạch kết nối giao thông đường bộ của Quốc gia và của Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, cải thiện điều kiện khai thác, bảo đảm an toàn giao thông, kết nối các tỉnh phía Tây Bắc với Thủ đô, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng; là động lực phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây; hình thành điều kiện đáp ứng hạ tầng kỹ thuật giao thông thành phố phía Tây trong tương lai.

Để dự án có thể đưa vào khai thác vào năm 2026, ông Dương Đức Tuấn yêu cầu ngay sau lễ khởi công, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thành phố, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng các quy định của Nhà nước.

Cùng đó, tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống, lao động sản xuất của người dân trong khu vực.

Lãnh đạo huyện Thạch Thất tập trung chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở phối hợp, triển khai, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư…, sớm bàn giao mặt bằng sạch để tổ chức thi công. Đồng thời, bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực thi công, tuyên truyền tích cực để có sự đồng thuận, ủng hộ và tạo điều kiện của nhân dân xung quanh khu vực dự án.

Nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể, chi tiết; bảo đảm thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình bảo đảm yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, phấn đấu vượt tiến độ và tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục