Khởi công Khu du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu ở Đồ Sơn

Dự án Khu du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu ở Đồ Sơn, Hải Phòng phát triển trên cơ sở lấn biển, có hạng mục cáp treo nối liền đất liền từ khu Vụng Xéc đến đảo Hòn Dấu dài khoảng 2km.
Khởi công Khu du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu ở Đồ Sơn ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ khởi công. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 7/5, tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khởi công dự án Khu du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Dự án Khu du lịch-nghỉ dưỡng Hòn Dấu dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016-2021 có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Him Lam là chủ đầu tư.

Dự án có hai hợp phần gồm: Dự án Khu du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu nằm tại đảo Hòn Dấu và Dự án Khu hậu cần du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu.

Nằm cách điểm đầu bán đảo Đồ Sơn khoảng gần 1km về phía Đông Nam, Hòn Dấu là đảo nhỏ có tổng diện tích tự nhiên 10ha, nơi có rừng nhiệt đới dày đặc và tươi tốt. Trên đảo có ngọn hải đăng Hòn Dấu được người Pháp xây dựng cách đây hơn một thế kỷ.

Không gian của toàn bộ 2 dự án Khu du lịch-nghỉ dưỡng Hòn Dấu bao phủ 4 khu vực là Vụng Xéc, đảo Hòn Dấu, khu vực xây dựng tuyến cáp treo nối bán đảo Đồ Sơn với đảo Hòn Dấu và khu vực mở.

Dự án phát triển trên cơ sở lấn biển, có hạng mục cáp treo nối liền đất liền từ khu Vụng Xéc đến đảo Hòn Dấu dài khoảng 2km. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng yêu cầu Công ty cổ phần Him Lam thi công an toàn, đúng tiến độ, đảm bảo không tác động đến môi trường. Thành phố cam kết hỗ trợ thuận lợi cho nhà đầu tư về điện, nước, theo đúng cam kết.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Hải Phòng ngày càng có nhiều công trình hạ tầng lớn, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng biểu dương lãnh đạo thành phố Hải Phòng chủ động, tích cực trong việc phục vụ, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng gợi ý Hải Phòng coi trọng phát triển theo hai hướng, bên cạnh thúc đẩy sản xuất công nông-nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, hiện vẫn là khâu yếu ở địa phương. Hải Phòng cần tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có về du lịch, góp phần đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Cảng.

Muốn làm tốt việc này, Thủ tướng đề nghị thành phố tích lũy, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển du lịch; coi trọng việc xây dựng thương hiệu du lịch và hoàn thiện cơ chế-thể chế tạo điều kiện cho du lịch phát triển; đặc biệt cần huy động mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển du lịch trong cộng đồng, xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần Him Lam trong quá trình triển khai dự án cần đảm bảo tiến độ thi công, chấp hành pháp luật và đặc biệt gìn giữ và tránh gây ô nhiễm môi trường, chặt phá rừng, bảo vệ những nét đẹp riêng có của Hòn Dấu, để địa danh du lịch nổi tiếng này luôn tươi đẹp và thu hút du khách.

Nhân dịp công tác tại Hải Phòng, chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng; thăm hỏi bà con nhân dân và trồng cây lưu niệm tại đây.

Khởi công Khu du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu ở Đồ Sơn ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dâng hương tại đền thờ Nam Hải Đại vương trên đảo Hòn Dấu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tham quan những hiện vật, di sản về thân thế và sự nghiệp, thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác hứa sẽ nỗ lực hết sức mình cùng tập thể chính quyền, quân và dân thành phố tiếp tục dựng xây Hải Phòng ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là quê hương Danh nhân văn hóa lỗi lạc của đất nước.

Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm 9 hạng mục: tháp bút Kình Thiên; đền thờ dựng sau khi cụ mất (năm 1585) với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ “An Nam Lý Học.”

Trong quần thể di tích có nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phần mộ cụ thân sinh ở phía sau đền và đặc biệt là tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn.

Nhà Tổ trong đền có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân, nơi lưu giữ kỷ vật về tấm lòng “chí trung chí thiện” của Trạng Trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục