Tính từ ngày 1/1 đến 30/11, tổng khối lượng giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa (MXV) là 759.236 lots, với giá trị khoảng 739.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng giao dịch 69.021 lots, với giá trị khoảng 67.000 tỷ đồng/tháng. Khối lượng giao dịch trung bình phiên là 3.204 lots với giá trị khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Đây là thông tin được đại diện MXV đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Công Thương với Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam mới đây.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc thường trực MXV, được Bộ Công Thương cấp phép thành lập từ năm 2010, đến nay, MXV đang niêm yết giao dịch 38 loại sản phẩm hàng hóa thuộc các nhóm nông sản, nguyên liệu, kim loại, năng lượng; trong đó 36/38 mặt hàng phát sinh giao dịch.
Cũng theo ông Quỳnh, Nghị định 51/2018/NĐ-CP cho phép các sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam được kết nối liên thông với các sở giao dịch hàng hóa tại nước ngoài.
Trong 3 năm trở lại đây, thông qua việc kết nối liên thông với các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, vị thế của Việt Nam đã được khẳng định.
Tuy nhiên, đại diện MXV cũng nêu những khó khăn và bất cập trong quá trình vận hành, cụ thể là hành lang pháp lý, các văn bản chưa rõ ràng và đồng nhất, còn chồng chéo với một số văn bản khác đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
[Việt Nam tham gia hội chợ cùng hàng nghìn doanh nghiệp toàn cầu]
Bên cạnh đó, vấn đề thuế, phí, lệ phí chưa có quy định rõ ràng. Mức xử lý vi phạm đối với các sai phạm trên Sở giao dịch hàng hóa vẫn tương đối thấp, tối đa chỉ 50 triệu đồng, chưa tương xứng với quy mô của sở giao dịch hàng hoá...
Trước những khó khăn này, MXV đề xuất Bộ Công Thương tham mưu sửa đổi Nghị định 158 và Nghị định 51 theo để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa...
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của MXV trong thời gian qua.
Bên cạnh việc phát huy, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực chuyên môn, MXV cần liên kết tốt hơn với các sở giao dịch trên thế giới đồng thời làm tốt hơn nữa công tác truyền thông; liên kết, phối hợp với các cơ quan liên quan, các bộ ngành.
Với đề xuất sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương theo dõi rất sát và luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.
"Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các khung khổ quốc tế mà nước ta đã tham gia, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các đơn vị tham gia, kể cả thành viên và bạn hàng,” ông Hải nhấn mạnh./.