Có công việc ổn định tại một cơ quan Nhà nước nhưng với niềm đam mê, sự nhiệt huyết của mình, anh Đỗ Quốc Anh, trú xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã chọn “khởi nghiệp” bằng mô hình sản xuất quai treo mây, ống hút trúc (một số địa phương gọi là trảy) cung cấp cho các quán càphê trong, ngoài tỉnh.
Các sản phẩm này hướng đến mục tiêu góp phần thay đổi thói quen của cộng đồng trong việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho vật dụng từ nhựa, từ đó, nói không với rác thải nhựa.
Năm tháng trước, qua nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy tại Quảng Ngãi, loại sản phẩm này chưa thông dụng nên anh Anh nhập nguyên liệu về tự mày mò, tạo ra các loại quai treo, ống hút, đồ trưng bày từ mây tre, trúc… rồi lên mạng quảng bá tìm đầu ra.
Anh Đỗ Quốc Anh cho biết hiện nay, rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức lớn mà con người đang phải đối mặt. Từ thực tế đó, anh mong muốn làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
[Người phụ nữ kiên trì đưa túi nylon tự hủy vào chợ truyền thống]
Nhờ mẫu mã đẹp, kiểu dáng bắt mắt, giá cả hợp lý nên sản phẩm quai treo mây, ống hút trúc được nhiều chủ quán càphê lớn ở Quảng Ngãi ngỏ ý mua nhằm tạo ấn tượng với khách hàng về không gian vừa xanh vừa sạch.
Chị Trương Thị Thu Hường, chủ quán càphê Bach’s cho hay, sản phẩm mây tre đan có nhiều ưu điểm hơn so với sản phẩm nhựa. Bởi sản phẩm này vừa có tính thẩm mỹ, tiện lợi, an toàn cho sức khỏe con người, không gây hại tới môi trường.
Qua thời gian ngắn triển khai, sản phẩm quai treo mây, ống hút trúc đem lại hiệu ứng rất tốt, khách hàng ủng hộ, tin dùng. Điều đó khiến chị cảm thấy phấn khởi vì đã góp phần nhỏ trong việc nói không với rác thải nhựa.
Hiện nay, sản phẩm của anh Đỗ Quốc Anh bán rất chạy. Bình quân mỗi tháng, anh xuất ra thị trường khoảng 5.000 quai treo mây, ống hút trúc với giá dao động từ 6.000-8.000 đồng/cái tùy theo sỉ, lẻ, thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng.
Anh Đỗ Quốc Anh cho biết thêm hiện nay, nhiều chuỗi cà phê tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Vũng Tàu… đang tiêu thụ sản phẩm từ cơ sở của anh. Thành công ấy giúp anh có thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất.
Anh phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng một xưởng sản xuất, thuê từ 9-10 nhân công làm việc thường xuyên, nâng số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường lên 1-2 triệu quai treo mây, ống hút trúc, đồng nghĩa với việc hạn chế từ 1-2 triệu túi nylon thải ra môi trường.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới.
Vì vậy, những người như anh Đỗ Quốc Anh, chị Trương Thị Thu Hường đã và đang biến hành động chống ô nhiễm rác thải nhựa thành hiện thực, có sức lan tỏa, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này./.