Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ “đồng hành” cùng các sở khoa học và công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ tập trung khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kết quả thực chất và rõ nét
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đạt được nhiều kết quả nổi bật trong toàn ngành khoa học và công nghệ. Điển hình là chỉ số công trình nghiên cứu khoa học công bố quốc tế tăng cao nhất từ trước tới nay, tăng 25%. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, vươn lên vị trí 45/126 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, việc phóng thành công vệ tinh MicroDragon vào quỹ đạo khẳng định thành công của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam đang dần làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh.
Những kết quả nổi bật của ngành khoa học và công nghệ là rõ nét và thực chất.
[10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2018]
Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành 10/10 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018 (đạt 100%); 241/270 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đang tiếp tục thực hiện 29/270 nhiệm vụ (đều trong hạn xử lý)...
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ ban hành Nghị định 74/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện cơ chế hậu kiểm; chủ động rà soát, chuyển sang áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa; ước tính lợi ích kinh tế mang lại cho doanh nghiệp hàng năm khoảng 721 tỷ đồng.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiến hành rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa 68/121 điều kiện kinh doanh, đạt 56,2%.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tập trung rà soát, xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP. Tỷ lệ tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng tăng so với năm 2017.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;” tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm trọng điểm, có khả năng cạnh tranh cao.
Với vai trò là cơ quan đầu mối về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng văn bản nghị quyết về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0;” phê duyệt Kế hoạch triển khai “Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025.”
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, thực hiện nhiều chương trình, đề án lớn như Hệ tri thức Việt số hóa, bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực như Dữ liệu bản đồ số Việt Nam; Dữ liệu tiếng nói tiếng Việt: Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài giảng trực tuyến...
Ngành tập trung vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia với chuỗi hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nổi bật là chuyến xe khởi nghiệp với các star-up thành công từ hai “đầu” đất nước “hội tụ” tại Đà Nẵng để chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của ngành và đất nước.
Tập trung khơi thông nguồn lực, tăng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh năm 2019, quán triệt và thực hiện phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả,” Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các sở khoa học và công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ tập trung khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.
Đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ khách hàng và quản lý hoạt động nội bộ ngân hàng; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin; ứng dụng tự động hóa (robotic) trong hiện đại hóa quy trình quản trị nội bộ của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, ngành triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và triển khai hiệu quả Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa...
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế; xây dựng Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cũng như thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng mục tiêu của năm 2019 là khoa học và công nghệ phải thật sự là đầu tàu “đột phá,” theo đó cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp "tự nguyện" và thực sự đầu tư cho khoa học và công nghệ bởi lợi ích thiết thực của chính doanh nghiệp.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải tạo động lực mạnh mẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội, lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước, đồng thời, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia - nơi đưa kết quả nghiên cứu đến với thị trường, tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị, phục vụ trực tiếp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình kinh doanh tiên tiến, nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh đóng góp tích cực vào thành tựu chung phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời gian tới./.