Khơi thông thị trường, giúp doanh nghiệp vượt khó do dịch COVID-19

Các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc với nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Doanh nghiệp chuẩn bị các phương án để giảm thiểu tác động của dịch bệnh. (Ảnh: Vietnam+)

Dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 đã tác động đến nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Chính vì vậy, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ngành hàng gặp khó

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu... đã gặp khó khăn trong tiêu thụ.

[Tiêu thụ hàng nông sản: Hướng đến giải pháp chế biến sâu, nâng giá trị]

Là địa phương được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, cho hay phần lớn sản phẩm nông sản đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc, song dịch bệnh khiến cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nhiều mặt hàng nông sản của địa phương có nguy cơ tồn động, trong đó nhiều nhất là khoai lang khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn 1.200 tấn…

Tương tự, ông Hà Lê Thanh Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận thông tin, hiện địa phương có 7.685 tấn thanh long cần tiêu thụ, song đang phải lưu kho lạnh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chờ tiêu thụ.

Không chỉ nông sản, dịch bệnh do COVID-19 còn tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trong nước.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa dệt Hà Tây (huyện Đan Phượng, Hà Nội), chia sẻ mặc dù những tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 chưa tác động nhiều đến sản xuất kinh doanh do nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất vẫn còn, song nếu thị trường không khơi thông, về lâu dài công ty sẽ phải tạm dừng sản xuất, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.

Trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Vietnam+)

Trong khi đó, ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám Đốc AEON Việt Nam cũng lo ngại nếu diễn biến dịch bệnh kéo dài và phức tạp.

“Mặc dù tình hình kinh doanh của AEON tương đối thuận lợi vào tháng Một, nhưng đến tháng Hai, do sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19, số lượng khách hàng tại hệ thống doanh nghiệp này đã giảm từ 20%-30%,” đại diện AEON Việt Nam nói. 

Khơi thông thị trường

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong quý 1 đã được các doanh nghiệp nhập khẩu từ cuối năm 2019, do đó vào thời điểm COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp vẫn đủ nguyên liệu duy trì hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại và các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu không được giao nhận thì nhiều doanh nghiệp buộc phải tính đến phương án nhập nguyên liệu thay thế từ các nước khác.

Song theo bà Lan, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì giá nguyên liệu từ các thị trường này cao hơn nhiều so với Trung Quốc cộng thêm chi phí vận chuyển khá lớn và thời gian vận chuyển lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp,” bà Lan nói.

Vì vậy, để giảm thiểu những tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, bà Lan cho biết Sở Công Thương đã phối hợp với các tỉnh, thành phố rà soát danh sách sản phẩm nông sản thực phẩm, thủy sản có nguy cơ dư cung để được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở cũng làm việc với các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm trên địa bàn thành phố hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

“Trường hợp nếu tiếp tục khó tiêu thụ do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố cho phép tổ chức các tuần hàng nông sản trong mùa vụ nông sản của các tỉnh, thành phố trong cả năm 2020 đồng thời chỉ đạo các đơn vị có sản phẩm cần kết nối, hỗ trợ tiêu thụ phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng,bảo đảm tiêu chuẩn tới các kênh phân phối,” bà Lan cho hay.

- Xuất khẩu một số mặt hàng nông thủy sản trong tháng Một:

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dần, trong ngày 17/2, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương ứng phó với tác động do dịch bệnh COVID-19 gây ra, đi kèm với đó là một loạt các giải pháp.

Theo đó, ông yêu cầu thành lập Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan tới giải tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc do một Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực xuất nhập khẩu trực tiếp chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng đề nghị Cục xuất nhập khẩu chủ trì làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số Hiệp hội ngành hàng để xác định cụ thể khối lượng, chủng loại các mặt hàng nông sản đang bị ách tắc, dự báo qui mô sản lượng các mặt hàng sắp tới sẽ thu hoạch, từ đó báo cáo với lãnh đạo Bộ để có kế hoạch, biện pháp tham gia xử lý hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới và đôn đốc các tỉnh có biên giới với Trung Quốc, chủ động làm việc với phía Bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa đồng thời rà soát, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.

Tại thị trường trong nước, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Vụ thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện ngay các hoạt động kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang hoặc sắp vào vụ thu hoạch, giải tỏa áp lực cho hoạt động xuất khẩu trước tác động của dịch bệnh và làm việc với các nhà phân phối để tăng cường đưa các sản phẩm nông, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục