Không chỉ có quan họ, Thổ Hà còn nổi tiếng với nghệ thuật tuồng cổ

Vào dịp hội làng (từ 20-22 tháng Giêng), các nhân vật tuồng còn là điểm nhấn trong nghi lễ rước với hơn hai mươi vai đóng thế được trang điểm khá cầu kỳ như Tổng Cờ, Tổng Kiếm, Tam Đa, Tiên đồng,...

Không chỉ nổi tiếng bởi lối hát quan họ độc đáo, làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong số ít nơi còn giữ được nghệ thuật tuồng.

Vào dịp hội làng (từ 20-22 tháng Giêng), các nhân vật tuồng còn là điểm nhấn trong nghi lễ rước với hơn hai mươi vai đóng thế được trang điểm khá cầu kỳ như Tổng Cờ, Tổng Kiếm, Tam Đa, Tiên đồng, Ngọc nữ…

Không hề được đào tạo qua trường lớp, nhiều thế hệ người làng Thổ Hà cứ thế truyền nhau cách hóa trang, làn điệu, lối hát, diễn xuất để sân khấu tuồng dựng ở góc sân đình lại sáng đèn.

Hàng loạt các vở diễn như ''Triệu Đình Long cứu chúa,'' ''Đào Tam Xuân,'' ''Ngự đệ Kim Hùng,'' ''Bá đao Diệm Thiên Hùng''… được diễn bởi những người yêu tuồng Thổ Hà để cả làng say sưa thưởng thức đến tận khuya.

[Nơi ươm mầm tài năng quan họ, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa]

Diễn tuồng đã khó, hóa trang nhân vật tuồng trong các tích cổ còn khó hơn. Diễn viên tuồng làng Thổ Hà ngoài khả năng ca xướng, vũ đạo, diễn xuất, còn phải biết vẽ mặt mình, khi thủ bất cứ vai nào. Nhờ những gương mặt được hóa trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật khi vừa thấy diễn viên bước ra sân khấu.

Diễn viên tuồng làng Thổ Hà thường hóa trang theo một số mẫu chung, vai “trung” mặt đỏ, râu dài; vai nịnh mặt rằn, râu ngắn; mặt trắng là người có diện mạo đẹp, tính cách trầm tĩnh; mặt đỏ là người trí dũng, chững chạc; mặt tròng xéo đen là tướng phản; hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy; mặt lưỡi cày là người đoản hậu, nhát gan...

Dù có hàng chục người biết diễn tuồng nhưng thực chất chỉ chưa đến 10 người thường xuyên tham gia Câu lạc bộ tuồng Thổ Hà. Những người hát tuồng làng Thổ Hà giờ đây không khỏi trăn trở bởi bộ môn nghệ thuật truyền thống này đang dần bị mai một.

Để tìm được lớp diễn viên kế nghiệp tuồng Thổ Hà, những người yêu tuồng ở làng mong muốn các cấp chính quyền địa phương sớm có cơ chế đầu tư để khôi phục, mở rộng mô hình câu lạc bộ hát tuồng, trong đó chú trọng việc truyền dạy cho lớp trẻ để tuồng làng Thồ Hà còn mãi với thời gian./.

Những diễn viên không chuyên làng Thổ Hà chuẩn bị cho đêm diễn tuồng.
Người dân làng Thổ Hà hóa trang theo phong cách tuồng đi dự hội làng.
Người dân hóa trang tham gia đoàn rước trong hội làng Thổ Hà.
Nhạc cụ cho đêm diễn tuồng gồm có kèn, trống, nhị, thanh la, chuông, mõ...
Sân khấu diễn tuồng được dựng ngay tại sân đình Thổ Hà.
Sân khấu tuồng làng Thổ Hà trong đêm chính hội.
Một trích đoạn vui nhộn mở đầu cho đêm diễn tuồng Thổ Hà.
Những vũ đạo tuồng, cách hát được diễn viên trong đêm tuồng Thổ Hà thực hiện chỉnh chu đến từng động tác.
Một tích diễn khiến người xem hào hứng trong đêm tuồng làng Thổ Hà.
Tuy không được đào tạo bài bản những người Thổ Hà với những tố chất bẩm sinh và tình yêu với tuồng đã tạo nên những tích diễn hấp dẫn với người xem.
Tuồng gần gũi với người dân bởi những diễn viên trên sân khấu và người xem là người cùng làng.
Những đêm diễn tuồng là một kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của nhiều thế hệ ở làng Thổ Hà.
Người làng Thổ Hà say sưa xem hát tuồng trong hội Xuân.
Đêm diễn của gánh tuồng làng Thổ Hà thu hút đông đảo người dân trong vùng đến xem.
(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục