Ngày 23/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã có cuộc gặp bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại thành phố New York của Mỹ.
Tuy nhiên, trong thông báo đưa ra sau cuộc gặp, cả hai bên đều cập tới việc không có đột phá nào liên quan tới điều khoản “chốt chặn” – vấn đề mấu chốt cho thỏa thuận Brexit lúc này.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết ông Boris Johnson đã nêu quan điểm với Chủ tịch Tusk về thỏa thuận Brexit. Hai bên đã thảo luận về việc tìm kiếm phương án thay thế cho điều khoản “chốt chặn,” cũng như đánh giá về các tài liệu kỹ thuật mà London mới chia sẻ với EU về những ý tưởng thay thế điều khoản “chốt chặn” trong thỏa thuận Brexit.
[EU nhận định lập trường của Anh khó mang lại giải pháp cho Brexit]
Người phát ngôn này nói: “Thủ tướng Johnson đã nhấn mạnh tới việc cần phải có một thỏa thuận để Anh rời EU và hiện Anh cần thấy sự linh động và mềm dẻo từ EU. Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì liên lạc trong những tuần tới.”
Tuy nhiên, trong một đoạn tweet thông báo kết quả cuộc gặp, Chủ tịch Tusk đã viết rằng: “Không đột phá. Không sụp đổ,” đồng thời cho biết thời gian hiện không còn nhiều để thảo luận về thỏa thuận Brexit.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo Anh và EU diễn ra không lâu sau khi Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Brexit Michel Barnier cho rằng quan điểm hiện nay của London không có bất cứ "cơ sở nào để đạt được một thỏa thuận" về việc Anh rời khỏi EU. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, ông Barnier nêu rõ với quan điểm hiện nay của Anh, việc đi đến một giải pháp khả thi hợp pháp mà đáp ứng tất cả các mục tiêu của điều khoản "chốt chặn" là rất khó. Theo ông, hiện nay, hai bên không có căn cứ gì để đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, EU vẫn để ngỏ việc đối thoại, cũng như thúc đẩy và lắng nghe ý tưởng mới của Anh về mối quan hệ tương lai giữa hai bên.
Hiện Thủ tướng Johnson đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn ngày 31/10 tới. Điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit.
Điều khoản này quy định sau Brexit, Anh sẽ ở lại liên minh thuế quan trong khi vùng Bắc Ireland duy trì quan hệ thương mại gần gũi hơn với EU để đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, cũng như sự toàn vẹn của "Hiệp ước ngày thứ Sáu tốt lành" ký kết năm 1998 vốn mang lại sự ổn định ở vùng này sau cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Phe bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế./.