Không có khả năng NATO kết nạp Ukraine trong tương lai gần

Mặc dù tiếp tục tái khẳng định chính sách “mở cửa” với Ukraine nhưng NATO đã không đề cập đến việc kết nạp nước này tại Hội nghị Warsaw.
Không có khả năng NATO kết nạp Ukraine trong tương lai gần ảnh 1Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak (trái) tại cuộc họp. (AFP/TTXVN)

Trang web của Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Ba Lan (PISM) đã đăng bài của chuyên gia Daniel Szeligowski về chính sách của NATO đối với Ukraine cũng như diễn biến quan hệ song phương sau Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw, Ba Lan (7/2016).

Bài báo viết: “Tại Hội nghị thượng đỉnh Warsaw, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định sẽ duy trì chính sách “mở cửa” đối với Ukraine và tiếp tục trợ giúp Kiev. Tuy nhiên, Kiev khó có thể hy vọng trở thành thành viên của NATO trong tương lai gần.

Thay vào đó, quan hệ song phương sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang của Ukraine nhằm bảo vệ biên giới của nước này với Nga cũng như việc tăng cường an ninh cho khu vực biên giới phía Đông của NATO.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này NATO đã thông qua gói trợ giúp tổng thể đối với Ukraine. Theo đó, NATO sẽ tiếp tục trợ giúp Ukraine trong các lĩnh vực chính: tư vấn (bao gồm cả việc bảo đảm an ninh cho những công trình quan trọng); cải cách lĩnh vực an ninh, quốc phòng; huấn luyện và đào tạo; rà phá vật liệu nổ.

Gói hỗ trợ này bổ sung cho chương trình trợ giúp mà NATO dành cho Kiev bắt đầu từ năm 2014. NATO cũng đã thành lập 5 quỹ dành cho các hoạt động đảm bảo an ninh mạng, cung cấp hậu cần, phục vụ các hoạt động chỉ huy, thông tin liên lạc và phục hồi cho binh sỹ bị thương trong các cuộc xung đột ở khu vực Donbas.

Hợp tác giữa NATO và Ukraine trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc củng cố và nâng cao năng lực lực lượng quân đội của Kiev và hỗ trợ tiến hành cải cách lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Việc tiến hành cải cách lĩnh vực an ninh và quốc phòng được Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine thông qua tháng 5/2016, là một phần trong lộ trình đáp ứng các nguyên tắc và tiêu chuẩn của NATO nhằm thúc đẩy tiến trình gia nhập liên minh này.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố, tiến trình cải cách này sẽ kéo dài đến năm 2020 và là bước đầu tiên trong tiến trình gia nhập NATO của Kiev.

Đáng chú ý, hợp tác trong bảo vệ đường biên giới của Ukraine với Nga sẽ là một trong những trọng tâm trong hợp tác giữa NATO và Kiev trong thời gian tới. Ukraine đã mất kiểm soát đối với khoảng 400 km biên giới với Nga vì xung đột ở khu vực Donbas.

Trong khi đó, bán đảo Crimea đã bị sáp nhập vào Nga và nằm ngoài quyền khu vực kiểm soát của chính phủ Ukraine. Lực lượng bảo vệ biên giới Ukraine đã lập các trạm kiểm soát mới tại khu vực ranh giới giữa Kherson và Crimea cũng như tại các “giới tuyến tạm thời” ở Donbas.

Mặc dù Hiệp định Minsk 2015 khẳng định Ukraine sẽ khôi phục lại việc kiểm soát biên giới giữa khu vực Donbas với Nga nhưng khả năng này vẫn rất mờ mịt trong tương lai.

Trong khi đó, các hành động khiêu khích tại nước láng giềng của NATO, nhất là việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và can dự vào xung đột ở khu vực Donbas, đã làm suy yếu trật tự quốc tế và đe dọa sự ổn định của các nước thành viên NATO.

Vì vậy, Ukraine với vai trò, vị trí quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định biên giới phía Đông của NATO, sẽ tiếp tục nhận được sự trợ giúp mạnh mẽ của liên minh này trong thời gian tới, nhất là trong việc bảo vệ đường biên giới với Nga.

Mặc dù vậy, không có khả năng NATO kết nạp Ukraine làm thành viên trong tương lai gần. Bất chấp việc tiếp tục tái khẳng định chính sách “mở cửa” đối với Ukraine và lên án các hành động can thiệp của Nga vào chính sách đối ngoại của Kiev, NATO đã không đề cập đến việc kết nạp nước này tại Hội nghị Warsaw.

Danh sách các nước ứng cử viên tiềm năng của NATO hiện tại chỉ gồm Georgia, Macedonia, Bosnia và Herzegovina”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.