Không để hình thành tổ chức tôn giáo tự phát, hoạt động trái pháp luật

Ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chủ động tham mưu xử lý, giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp trong tôn giáo, nhiều việc đã dứt điểm ngay tại cơ sở, không để bùng phát điểm nóng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 18/1, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà, năm 2018, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có liên quan, tình hình tôn giáo đã có những chuyển biến tích cực, công tác tôn giáo của cả hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tôn giáo được duy trì và thực hiện nghiêm túc.

Các đại hội, hội nghị, sự kiện lớn của tôn giáo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo quy định; giá trị đạo đức, nhân văn, bác ái của các tôn giáo được phát huy, lan tỏa trong đời sống xã hội. Đa số chức sắc, đồng bào tôn giáo yên tâm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau một năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.

[Sinh hoạt tôn giáo phải hợp pháp, hài hòa giữa đạo và đời]

Tuy nhiên, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vẫn nổi lên một số vấn đề phức tạp. Các thế lực xấu bên ngoài vẫn tiếp tục móc nối với số chức sắc cực đoan trong tôn giáo, triệt để lợi dụng các vấn đề an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, chính sách giáo dục, thu phí BOT, dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng... kích động, tập hợp giáo dân, tuần hành, gây phức tạp về an ninh trật tự.

Hoạt động tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng, hiến tặng, mua bán, lấn chiếm mở rộng khuôn viên cơ sở thờ tự trái pháp luật vẫn diễn ra... gây khó khăn trong quản lý của chính quyền các cấp. Một số vụ việc khiếu kiện, vi phạm pháp luật về đất đai đã có chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, tạo bức xúc.

Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định trong thành tích chung của đất nước năm 2018, công tác quản lý nhà nước và những người làm công tác tôn giáo đã có những đóng góp tích cực, nhất là trong việc bảo đảm các tôn giáo hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.

Ngành đã hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung tham mưu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngành chủ động tham mưu với Chính phủ, Bộ Nội vụ và cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo xử lý, giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp trong tôn giáo, nhiều việc đã dứt điểm ngay tại cơ sở, không để bùng phát điểm nóng. Qua đó, góp phần ổn định tình hình tôn giáo trong cả nước, tạo được sự đồng thuận của chức sắc và đồng bào có đạo.

“Các đồng chí đã chủ động làm việc với các tổ chức tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại, thống nhất giải quyết kịp thời những vấn đề còn tồn tại. Sau một năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã có bước chuyển biến quan trọng, tích cực,” Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo trong năm qua.

Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đặc biệt là Chỉ thị 18-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan như đất đai, văn hóa, giáo dục, y tế... bảo đảm đồng bộ với pháp luật về tôn giáo.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo để thống nhất nhận thức và hành động; đôn đốc, hướng dẫn việc kê khai, đăng ký sử đụng đất và sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ sở tôn giáo ở địa phương trong năm 2019, khắc phục tình trạng lấn chiếm, sang nhượng, giảm thiểu khiếu kiện.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu toàn ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ tôn giáo trong tình hình mới. “Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành chức năng và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần nắm chắc tình hình để tham mưu, xử lý kịp thời, đúng chính sách pháp luật, tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo và đồng bào có đạo; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, nâng cao năng lực tham mưu, xử lý, giải quyết, nhất là đối với các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới tại cơ sở, không để hình thành tổ chức tự phát, hoạt động trái pháp luật,” Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành quản lý nhà nước về tôn giáo quan tâm gặp gỡ, làm việc với các tổ chức tôn giáo để đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng; tiếp tục quan tâm giải quyết các vụ khiếu kiện, nhất là khiếu kiện liên quan đến đất đai tôn giáo, xử lý hợp tình, hợp lý, theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế địa phương. Chủ động thống nhất các bộ, ngành, địa phương trong tham mưu đề xuất Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vấn đề tôn giáo phức tạp. Có thái độ kiên quyết xử lý các phần tử chống đối, cực đoan, lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, kích động quần chúng vi phạm pháp luật, gây rối, mất an ninh trật tự, thực hiện các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các cơ chế diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực phù hợp với đường lối ngoại giao của Đảng, Nhà nước; tham gia trách nhiệm vào diễn đàn cơ chế định kỳ phổ quát Liên hợp quốc về quyền con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục