Đến chiều 8/8, về cơ bản nước tại các vùng bị ngập úng của Hà Nội như huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã cơ bản được giải quyết.
Riêng huyện Chương Mỹ, mặc dù nước cũng đã rút nhưng vẫn còn một vài điểm ngập úng như xã Thủy Xuân Tiên, Mỹ Lương, Hữu Văn, Hoàng Văn Thụ...; thậm chí, ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến vẫn còn ngập sâu đến khoảng 70-80cm.
Ở những nơi nước rút, các cơ quan chức năng ở huyện Chương Mỹ đã cùng với các lực lượng chức năng quân đội, công an, y tế, nông nghiệp và người dân địa phương khẩn trương làm vệ sinh môi trường, phun thuốc Clorimin B, thuốc khử trùng cho đàn gia súc gia cầm... không để xảy ra dịch bệnh, tái sản xuất và ổn định cuộc sống.
[Photo] Chuyển hàng cứu trợ đến các xã bị ngập tại Chương Mỹ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, mưa bão đã làm ngập trắng trên 4.425ha lúa và ngập sâu trên 5.167ha; trên 519ha hoa màu bị dập nát toàn bộ và trên 270ha dập nát một phần; hơn 883ha thủy sản và 326,7ha cây lâu năm bị ngập; khoảng 10,2km đường giao thông bị ảnh hưởng. Ngoài ra, toàn thành phố có 4.655 hộ dân bị ngập với 22.359 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập úng.
Trong số đó, Chương Mỹ là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.380ha lúa bị ngập úng, diện tích hoa màu bị ngập 307ha, số nhà dân bị ngập 3.683 hộ, đường giao thông nông thôn cũng như nội đồng bị ảnh hưởng dài 10.205 m; năm trường học trên địa bàn bị ngập sâu trong nước và 15 đình, chùa bị hư hỏng..., ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ, cho hay.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã chỉ đạo lực lượng dân quân các xã trong vùng ngập, đặc biệt là các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ tham gia duy trì an ninh trật tự, cung cấp hàng hóa và hỗ trợ các đoàn vào kiểm tra, thăm hỏi, động viên bà con trong những ngày nước ngập sâu. Đến nay, trong tình hình nước rút chậm, lực lượng này tiến tham gia tổng vệ sinh môi trường, khám sức khỏe cho nhân dân, cấp phát thuốc và hàng hóa hỗ trợ.
Tham gia dọn vệ sinh tại Trường Mầm non Nam Phương Tiến, anh Nguyễn Duy Đô - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã - cho biết từ ngày 21/7, Ban Chỉ huy quân sự xã với lực lượng thường trực 20 đồng chí luôn túc trực giúp bà con vận chuyển tài sản, nhận và phát hàng cứu trợ về từng thôn. Mấy ngày nay nước rút, các anh tiếp tục hỗ trợ công tác dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường tại các nhà văn hóa và trạm y tế xã.
Ngay cạnh Trường Mầm non Nam Phương Tiến, Trường Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A vẫn ngập trong nước, đặc biệt đường vào trường có nơi sâu đến khoảng 80 cm. Xe đạp, xe máy không thể đi vào nên các cô giáo của trường phải di chuyển bằng thuyền hoặc trang bị ủng loại dài đến thắt lưng để lội nước vào trường.
Từ 3 ngày nay, toàn thể 25 cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đều có mặt tại trường để dọn dẹp. Công việc dọn trường vất vả và kéo dài nên các cô mang theo một bộ bếp ga, xoong nồi để nấu mì ăn luôn tại trường, sẵn sàng ứng trực đến ngày nước rút hẳn. Cùng với lực lượng hỗ trợ của xã, các cô lau rửa sàn phòng học, phòng giáo viên, chuyển toàn bộ bàn ghế đã “di tản” từ tầng 2 xuống tầng 1, sắp xếp lại giáo án, sách vở, giấy tờ.
Cô Nguyễn Thị Xuân Loan - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết lúc nước dâng cao nhất, trường ngập đến hơn 1m, bị đổ ba đoạn tường bao, đoạn lớn nhất lên đến 70m2. Đây không phải là lần đầu tiên trường bị ngập, tình trạng này đã xảy ra vào tháng 10 năm ngoái nên các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Nam Phương Tiến đã chủ động cùng với lực lượng chức năng di dời đồ đạc, tu sửa bàn ghế nên thiệt hại được giảm bớt, dự kiến sau một tuần nữa sẽ dọn dẹp sạch sẽ để đón học sinh trở lại trường.
Vừa tiếc một tháng hè không thể cho học sinh ôn tập kiến thức, các thầy cô vừa lo lắng sau ngày tập trung, một số đoạn đường làng vẫn ngập, học sinh đi học mà không có sự giám sát của phụ huynh có thể dẫn đến nguy cơ đuối nước ở trẻ. Cô Loan cho biết trường đang tích cực tuyên truyền để phụ huynh học sinh quan tâm đưa đón trẻ sau những ngày ngập lụt.
Bàn về giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ thời gian tới, ông Hoàng Minh Hiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ - cho biết khu vực hữu Bùi phần lớn diện tích nằm trong vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về nhưng nhiều năm qua chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để.
Để người dân bốn xã sống bên đê hữu Bùi có cuộc sống ổn định yên tâm sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải “sống chung với lũ,” huyện kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho xử lý toàn bộ tuyến đê tả Bùi bằng cừ bêtông dự ứng lực để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đảm bảo đúng mục tiêu, từ nay đến trước lũ năm 2019 thực hiện thí điểm một số đoạn trên đoạn đê xung yếu nhất của đê tả Bùi có chiều dài khoảng 1.500m./.