Ngày 26/4, trả lời phỏng vấn báo La Stampa của Italy, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi châu Âu không tìm đến biện pháp quân sự trong giải quyết vấn nạn về người di cư trái phép sau vụ chìm tàu làm gần 800 người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải ngày 18/4.
Vụ tai nạn có số người di cư thiệt mạng lớn nhất trong thập kỷ qua này đã thúc đẩy giới chức Liên minh châu Âu (EU) lập kế hoạch cho một phái bộ quân sự chung nhằm trấn áp các tàu buôn người.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini được giao nhiệm vụ đệ trình Liên hợp quốc cho phép triển khai phái bộ trên.
Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon cho rằng quan trọng hơn là phải xây dựng được một cách tiếp cận toàn cầu, bao quát được gốc rễ của vấn đề, đảm bảo được an ninh và nhân quyền của người tị nạn, ví dụ như lập những kênh di cư hợp pháp và thường xuyên.
Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định tổ chức lớn nhất hành tinh này sẵn sàng hợp tác với châu Âu trong định hướng đó. Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng đánh giá EU đã thể hiện cách tiếp cận độc đáo khi ngày 20/4 vừa qua đưa ra kế hoạch 10 điểm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trái phép, coi đây sẽ là bước đi quan trọng đầu tiên tiến tới hành động tập thể trong toàn khối nhằm giải quyết vấn đề.
Ngoài đề xuất về một phái bộ quân sự, các nhà lãnh đạo EU cũng đã quyết định tăng gấp ba nguồn tài chính dành cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ người di cư trên biển.
Theo thông báo từ EU, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Đại diện EU Federica Mogherini sẽ cùng lên một con tàu ở Địa Trung Hải vào ngày 27/4 để bày tỏ tình đoàn kết với gia đình các nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ đắm tàu kinh hoàng trên biển Libya nói trên./.