Sáng 3/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm và làm việc với Kiểm toán Nhà nước.
Cùng tham dự buổi làm việc có: Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy; đại diện lãnh đạo các Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và tăng gấp 2 lần so với năm 2015 (19.863 tỷ đồng). 8 tháng năm 2017, tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 108 dự thảo báo cáo kiểm toán là 22.954 tỷ đồng (thu về ngân sách nhà nước 11.017 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 6.783 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 5.154 tỷ đồng). Riêng tăng thu về ngân sách nhà nước gấp 4,05 lần so với 8 tháng cùng kỳ năm 2016 (2.719 tỷ đồng).
Kiểm toán 27 dự án giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm. Kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị vốn nhà nước tại 7 doanh nghiệp đã làm tăng thêm giá trị vốn Nhà nước 20.818 tỷ đồng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc “cơ quan Kiểm toán Nhà nước” và “Tổng Kiểm toán Nhà nước” lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã tiếp tục tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho sự phát triển mới, cũng như khẳng định vai trò, vị trí của Kiểm toán Nhà nước. Thời gian qua, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều tiến bộ, tăng dần tính chuyên nghiệp, chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng tốt hơn, góp phần giải đáp những đòi hỏi bức xúc về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính-ngân sách nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá kết quả kiểm toán năm 2016 và 8 tháng năm 2017 khá nổi bật, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành kiểm toán. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Bên cạnh đó, góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi của các cơ quan hữu quan tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục phát huy các kết quả đạt được; lưu ý các khó khăn, thuận lợi của kinh tế trong nước, sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chủ động và sáng tạo hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải luôn quán triệt và thể chế hóa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để hoạt động đúng định hướng, đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán. Từ đó, cung cấp thông tin xác thực và kịp thời, phục vụ tốt nhất việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giúp cho Quốc hội xem xét, quyết định các chính sách về tài chính, tiền tệ quốc gia, thuế, ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước với chất lượng cao nhất.
Kiểm toán Nhà nước cần tích cực ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để nhanh chóng đưa Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 vào cuộc sống, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động Kiểm toán Nhà nước; chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính.
Nhấn mạnh việc đảm bảo nguyên tắc “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” của Kiểm toán Nhà nước và từng kiểm toán viên nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Kiểm toán Nhà nước không ngừng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động; phân tích kỹ, đánh giá chính xác nguyên nhân để có giải pháp tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; khắc phục tình trạng phát hành báo cáo kiểm toán còn chậm hoặc chưa được công khai theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan thanh tra, kiểm tra để hạn chế hiện tượng chồng chéo tại cùng một đơn vị.
[Kiểm toán điểm tên các khoản đầu tư tiền tỷ sa lầy, khó thu hồi vốn]
"Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài; đặc biệt, phải luôn coi trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên vững về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Đề án đầu tư hệ thống trụ sở làm việc theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tổ chức thành công Đại hội lần thứ 14 của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) vào năm 2018 tại Hà Nội nhằm tận dụng cơ hội để tiếp cận nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán hiện đại, tiên tiến trên thế giới, nâng cao vị thế, hình ảnh của cơ quan Kiểm toán Nhà nước nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, để phục vụ Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016;” đồng thời đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán sớm và tập hợp kết quả kiểm toán của các năm trước thuộc các lĩnh vực này, kịp thời cung cấp thông tin cho các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là kênh thông tin không thể thiếu và rất quan trọng nhằm phát hiện được những bất cập, hạn chế, dẫn đến thất thoát, mất tài sản Nhà nước, từ đó tạo cơ sở kiến nghị sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách cho phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 14; đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội để xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm toán năm 2018 đúng định hướng, có chất lượng, hiệu quả.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc ban hành Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; giao Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu kỹ căn cứ pháp lý của việc ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hoặc cần thiết sẽ báo cáo Quốc hội ban hành văn bản cho phù hợp; đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn với Kiểm toán Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước nâng cao năng lực, phát huy vị trí và vai trò cơ quan kiểm tra tài chính công “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng,” có uy tín và trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Tiếp thu ý chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các ý kiến của đại diện các cơ quan hữu quan, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác Kiểm toán theo luật định, góp phần ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước./.