Không quân Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện vận hành hệ thống S-400

Hoạt động huấn luyện sử dụng hệ thống S-400 tại thành phố Gatchina ở Nga đã được tiến hành với sự tham gia của các quân nhân thuộc Bộ Tư lệnh phòng không.
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện vận hành hệ thống S-400 ảnh 1Hệ thống tên lửa phòng không S-400. (Nguồn: aa.com.tr)

Các binh sỹ thuộc Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu những hoạt động huấn luyện điều khiển hệ thống phòng không S-400 tại thành phố Gatchina của Liên bang Nga.

Thông báo ngày 4/9 trên tài khoản Twitter của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ trong khuôn khổ Dự án Hệ thống Phòng không và phòng thủ tên lửa khu vực tầm xa, hoạt động huấn luyện sử dụng hệ thống S-400 tại thành phố Gatchina ở Nga đã được tiến hành với sự tham gia của các quân nhân thuộc Bộ Tư lệnh phòng không.

Bộ trên cũng cho biết, lô S-400 đầu tiên đã được Nga chuyển giao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 và hoàn thành việc vận chuyển vào ngày 25/7. Lô hàng thứ hai cũng đã được chuyển vào ngày 27/8. Dự kiến việc chuyển giao giao sẽ kéo dài trong gần một tháng.

[Vệ tinh do thám Israel xác định vị trí Thổ Nhĩ Kỳ triển khai S-400]

Theo người đứng đầu Văn phòng Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Demir, các hệ thống S-400 sẽ chính thức được Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào hoạt động từ tháng 4/2020 do cần thời gian cho việc đào tạo, huấn luyện quân nhân điều khiển các quy trình liên quan đến hệ thống và phần mềm của hệ thống này.

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua 4 hệ thống phòng không S-400 của Nga, trị giá 2,5 tỷ USD. Kể từ tháng 7/2019, 30 chuyến bay chuyển giao các linh kiện của hệ thống này đã đến Ankara.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết Ankara sẽ triển khai hệ thống S-400 trực chiến từ mùa Xuân 2020 sau khi hệ thống này được lắp đặt hoàn chỉnh và nhân sự được huấn luyện.

Mỹ đã kịch liệt chỉ trích quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua S-400. Thượng viện Mỹ kêu gọi Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, vì Washington coi quan hệ đối tác với Moskva sẽ mang lại nguy cơ cho Ankara và cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà nước này là thành viên.

Nhà Trắng cho biết thỏa thuận S-400 sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp tục tham gia chương trình máy bay chiến đấu F-35./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.